Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Hội nghị tổng kết hoạt động Mạng lưới Đất rừng năm 2016

  • Đó là hoạt động thường niên của Mạng lưới Đất rừng (MLĐR) được Trung tâm CIRUM hỗ trợ tổ chức ngày 10 tháng 1 năm 2017 tại khách sạn La Thành, Hà Nội. Hoạt động này nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2016 và thảo luận định hướng hoạt động năm 2017 của Mạng lưới Đất rừng.

    Tham gia Hội nghị có 36 thành viên đến từ MLĐR các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; Cán bộ Trung tâm CIRUM và ông Lù Văn Que - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm CIRUM, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN. 
     

    Toàn cảnh Hội nghị tổng kết MLĐR năm 2016 - Ảnh CIRUM

     
    Tại Hội nghị, các thành viên của Mạng lưới Đất rừng đã nghe báo cáo về kết quả hoạt động của MLĐR năm 2016. Theo đánh giá, năm 2016 MLĐR đã có nhiều hoạt động sôi nổi và đạt nhiều kết quả tại các địa phương và cấp trung ương. Về vận động chính sách, MLĐR đã tham gia tư vấn, góp ý, phản biện chính sách cấp trung ương, như góp ý tư vấn sửa đổi Nghị định 135/2005 và Nghị định 01/1995 về chính sách khoán rừng và vườn cây trong các tổ chức nhà nước (tiếp tục 2015); Sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 38/2007/TT-BNN Hướng dẫn trình tự thủ tục giao rừng, cho thuê rừng; Sửa đổi bổ sung Luật BV&PTR2004. Tại các địa phương, thành viên MLĐR phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thể hiện qua việc Ông Lê Kiên Cường – Điều phối viên (ĐPV) MLĐR Hữu Lũng đã có cuộc gặp gỡ lãnh đạo huyện (PCT huyện, Phó CT HĐND huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) để tư vấn về việc lồng ghép trồng rừng hỗn giao bằng cây bản địa tại hai xã Minh Sơn và Hòa Sơn, kết quả là tại 2 vùng này cộng đồng đã và đang tiến hành trồng cây lâm nghiệp bản địa (Lim, Lát, Muồng) bổ sung vào rừng cộng đồng Hố Mười (Minh Sơn), Rừng phòng hộ Khuân Binh (Trại Dạ). Ngoài ra, các thành viên MLĐR trên các vùng cũng đã tích cực tham gia chia sẻ các kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng bền vững như thành viên MLĐR vùng Lạng Sơn chia sẻ tại MLĐR Kon Tum, ĐPV xã Hạnh Dịch chia sẻ tại xã Đồng Văn (Quế Phong, Nghệ An)...
    Cũng tại Hội nghị, đại biểu các vùng đã chia sẻ những khó khăn, bất cập của chính sách hiện tại liên quan đến quyền tiếp cận đất rừng của người dân tộc thiểu số. Bà Hồ Thị Con - dân tộc Vân Kiều (MLĐR vùng Quảng Bình) bức xúc chia sẻ về việc người dân tộc Vân Kiều tại vùng bà sinh sống không được hỗ trợ về chính sách trồng rừng và cho rằng người dân tộc không thể trồng rừng do đó chỉ hỗ trợ cho người Kinh, bà nói "Trong ti vi thì khi nào cũng nói Nhà nước quan tâm tới người dân tộc vùng sâu vùng xa. Nhưng thực tế ở quê tôi thì không thấy gì. Cụ thể như việc trồng rừng phát triển kinh tế thì người dân tộc chúng tôi không được hỗ trợ, họ chỉ cho người Kinh trồng thôi, hỏi chính quyền địa phương thì họ nói người dân tộc không biết trồng rừng nên không hỗ trợ".


    Bà Hồ Thị Con – Dân tộc Vân Kiều (Quảng Bình) phát biểu tại Hội nghị - Ảnh CIRUM

     
    Phát biểu tại Hội nghị, Ông Lù Văn Que đánh giá cao những kết quả hoạt động của MLĐR trong thời gian vừa qua. Ông nói “Tôi đã giành cả ngày hôm nay đến đây để nghe và tôi đã thấy nhiều điều thú vị. Những kết quả mà MLĐR và Trung tâm CIRUM đã làm được trong năm qua là cả một cống hiến hết sức lớn vì nhân dân. Các anh chị không có chế độ ưu đã nào mà đã làm được. Điều đó có được vì các anh chị đã có một tâm huyết lớn vì nhân dân. Giữ rừng, phát triển rừng cũng là bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta giàu đẹp, dân ta ấm no, hạnh phúc, giữ được biên cương. Đây là việc vô cùng quan trọng. Tôi đề nghị, trong thời gian tới chúng ta cần vững tâm và quyết tâm làm. Bản thân tôi rất ủng hộ những việc các anh chị làm và sẽ có ý kiến với Chính phủ về những kết quả này”.
    Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất một số hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể, MLĐR tiếp tục tham gia vận động chính sách liên quan đến đất và rừng; Vùng Hữu Lũng, xây dựng mô hình trồng cây lâm nghiệp bản địa xen Keo. Vùng Đình Lập, tiếp tục giải quyết những vướng mắc liên quan đến vấn đề ranh giới giữa 3 xã giáp ranh (Đồng Thắng, Bắc Lãng, Châu Sơn), Trung tâm CIRUM sẽ bám sát và theo dõi lộ trình này để hỗ trợ khi cần thiết. Vùng Si Ma Cai, trọng tâm phát triển cây ăn quản đặc sản là mận Tả van và xem xét hỗ trợ tư vấn xây dựng phát triển mô hình mận Tả van ở trang trại để làm đối chứng. Vùng Hà Tĩnh, cần ghi chép, tư liệu hoá các khu rừng quản lý tốt và lấy xác nhận của thôn, xã để sau này làm bằng chứng để vận động hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đặc biệt, điều phối viên các vùng cũng sẽ tư liệu hóa các mô hình, các hoạt động của mình bằng các câu chuyện liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng để tiếp tục chia sẻ tại các hội thảo, diễn đàn phục vụ tham vấn chính sách liên quan đến Đất và Rừng cho đồng bào các dân tộc thiểu số và sinh kế dựa vào rừng của họ. Trung tâm CIRUM với vai trò là đối tác của Mạng lưới Đất rừng có trách nhiệm hỗ trợ và đồng hành cùng Mạng lưới để năm 2017 và những năm tiếp theo để Mạng lưới Đất rừng có thêm nhiều thành tựu mới.

Bài viết khác