Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Cuộc sống của cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua các bộ phim do chính họ xây dựng

  • Đó là mục tiêu hướng tới của khóa đào tạo “Làm phim về cuộc sống của chúng ta” diễn ra từ 06 – 10/10/2014 do Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) và Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) phối hợp thực hiện tại Trung tâm CIRD và bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

    Các học viên cùng nhau thảo luận kỹ thuật quay và dựng film

    Tham gia khóa đào tạo có 8 học viên, trong đó có 07 học viên (3 nữ, 4 nam) là con em của cộng đồng người Mã Liềng từ 3 bản: Bản Kè, Bản Chuối và Bản Cáo, xã Lâm Hóa. Khóa đào tạo nhằm giúp cho các em biết được các kĩ năng, kĩ thuật quay phim, chụp ảnh và xây dựng được các bộ phim về các vấn đề tại cộng đồng mà họ đang gắn bó thông qua các câu chuyện, các video được thực hiện trên máy IPad (Một công cụ hỗ trợ quay phim, chụp ảnh và làm phim đơn giản).

    Với phương pháp không sử dụng chữ viết, chia học viên thành các nhóm và thực hành trên máy theo hướng dẫn của giáo viên, học viên cùng nhau tự thực hành, khi gặp khó khăn giáo viên sẽ hướng dẫn thêm. Kết quả thực hành sẽ được giáo viên hướng dẫn chiếu lên để cùng nhau phân tích, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở phương pháp đã xác định, nội dung của khóa đào tạo được chia làm 2 phần: i) Các kĩ thuật quay phim, chụp ảnh và sử dụng các dụng cụ đi kèm thiết bị Ipad; ii) Xây dựng phim thông qua các câu chuyện, phát hiện tại cộng đồng.

    Nội dung hướng dẫn kĩ thuật được thực hiện trong 2 ngày tại Văn phòng Trung tâm CIRD. Tại đây các học viên được hướng dẫn và thực hành các kĩ thuật sử dụng Ipad, các kỹ năng quay phim, chụp ảnh...Ban đầu, các học viên còn bỡ ngỡ, ngại ngùng vì lần đầu đi xa nhà, nhưng với việc chia thành các nhóm thực hành, học viên đã mạnh dạn, hòa đồng và chia sẻ với nhau. Họ đã có được sự tự tin và tỏ ra thích thú khi thực hành các bài tập. Có những học viên ban đầu chỉ khép nép ngồi một chỗ, ít nói, nhưng chỉ sau một số bài tập đã trở thành “diễn viên” giúp các nhóm làm việc và không ngần ngại hát cả những bài hát bằng tiếng Mã Liềng trong các cảnh quay. Chỉ sau 2 ngày thực hành, mọi ngại ngùng của các học viên đã biến mất mà thay vào đó là sự đam mê học tập, khám phá và hăng say thực hành các bài tập. Nhiều cảnh quay, bức hình của các học viên được giáo viên hướng dẫn đánh giá cao và xem như những mẫu hình cần tiếp tục phát huy trong 3 ngày thực hành trên thực tế tại Bản Cáo.

    Các học viên cùng nhau thực hành quay film

    Ba ngày ở Bản Cáo, các học viên được hướng dẫn về cách xác định vấn đề, câu chuyện để làm phim cũng như các bước xây dựng một bộ phim hoàn chỉnh. Ban đầu giáo viên đào tạo đã hướng các học viên tự kể một câu chuyện về cộng đồng mình, gia đình mình.

    Từ kết quả đó giáo viên hướng dẫn cùng học viên phân tích các cốt chuyện với mục tiêu để họ nhận biết được cái được, cái cần bổ sung cũng như mức độ đầy đủ thông tin của câu chuyện dựa trên 5 câu hỏi: Cái gì? Ở đâu? Ai? Khi nào? Như thế nào và Tại sao?

    Tiếp đến, nhóm giáo viên hướng dẫn đã giúp các học viên cách xác định, xây dựng các cảnh quay trong phim, kĩ năng phỏng vấn để lấy thông tin và kỹ năng hoàn thiện một bộ phim trên máy Ipad. Giáo viên hướng dẫn đã cùng các học viên trực tiếp đi xuống cộng đồng để thực hiện các cảnh quay cho bộ phim. Các học viên rất thích thú khi được thực hành lại toàn bộ các kiến thức đã được học tại nơi cộng đồng mình đang sinh sống.

    Thực tế cuộc sống của cộng đồng Mã Liềng đã làm nảy sinh trong các học viên nhiều chủ đề để lựa chọn cho các bộ phim của mình, như: Nước sạch về với bản; Rau xanh – nguồn thức ăn cần thiết cho bà con; Đất sản xuất của người Mã Liềng…Các bộ phim của học sinh khi được chiếu lên đã để lại nhiều cảm xúc cho các học viên và cộng đồng cũng như những người hướng dẫn. Gây nhiều ấn tượng nhất là bộ phim "Đất sản xuất của người Mã Liềng" do hai em Hồ Thị Thịnh và Hồ Văn Tiến thực hiện. Vấn đề thiếu đất của bà con Mã Liềng sau khi được chuyển ra vùng định canh, định cư thông qua đoạn phim được lột tả tương đối rõ nét với lời kể chuyện của một người dân Mã Liềng lồng ghép với cảnh quay minh họa của các em.

    Với 5 ngày đào tạo, các học viên đã tự tin, mạnh dạn hơn. Điều đó được thể hiện rất rõ qua những bức ảnh, những đoạn phim cũng như những cảnh quay nói về cảm nhận của các học viên về khóa đào tạo. Tất cả các học viên đều mong muốn được đi học, được mọi người biết đến họ, cộng đồng họ được ấm no và hạnh phúc hơn.

    Chia sẻ với các thành viên và nhóm giáo viên đào tạo, học viên Hồ Thị Thịnh, bày tỏ: “Em rất thích đi học nhưng vì nhà nghèo không được đi, qua khóa học này em thấy rất thích, ở đó em và các bạn được chia sẻ những vấn đề của cộng đồng mình lên phim để những người bên ngoài có thể biết đến chúng em. Em mong muốn rằng nhà em và người dân quê em không còn khổ nữa”.

    Khóa đào tạo đã khép lại nhưng dư âm của nó sẽ còn đọng lại mãi. Vạn sự khởi đầu nan nhưng những gì các bạn trẻ Mã Liềng đã đạt được đầy khích lệ và ấn tượng. Chúng tôi luôn bên các bạn trong thời gian tới. Những gì các bạn làm chắc chắn sẽ sớm giúp cho những mơ ước của các bạn sớm trở thành hiện thực "Các em được đi học, cộng đồng của các em được quan tâm nhiều hơn và người Mã Liềng được ấm no hạnh phúc".

    Bá Thẩm (CIRUM)

Bài viết khác