Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Giá trị của việc bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng và luật tục của người Gia Rai làng Ka Bầy, xã Hơ Moong

  •          Xã Hơ Moong có 5 làng của các dân tộc Rơ Ngao, Gia Rai (đây là các làng tái định cư thuộc Dự án Thủy điện Pleikrông) và một thôn đồng bào người Kinh. Bà con dân tộc trong các làng sống chủ yếu dựa vào rừng và làm nương, rẫy. Với sự hỗ trợ của các tổ chức thuộc Liên minh LISO mà CODE là tổ chức đại diện cho các hoạt động tại Kon Tum cộng đồng Làng Ka Bay đã thực sự có được quyền quản lý, sự dụng và phát triển nguồn tài nguyên rừng của mình. Tiếp nhận quyền quản lý, sử dụng rừng và đất rừng cộng đồng làng Ka Bầy đã tích cực phát huy những giá trị của Luật tục để thực hiện có hiệu quả Quy chế QLBV rừng cộng đồng do chính họ xây dựng và được Nhà nước công nhận.

    Cộng đồng buôn Ka Bầy (dân tộc Gia Rai)  thảo luận xây dựng hương ước bảo vệ rừng
    Cộng đồng buôn Ka Bầy (dân tộc Gia Rai) thảo luận xây dựng hương ước bảo vệ rừng. Ảnh: LISO
     
                  Nhận thức một cách đầy đủ về quyền được quản lý, sử dụng tài nguyên rừng cộng động, cũng như những lợi ích mà rừng mang lại, mỗi Làng đã bầu một tổ nòng cốt để thực hiện thường xuyên các hoạt động tuần tra. Trong mỗi Làng người dân cũng rất tự giác tham gia các hoạt động của tổ và kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm đến cây rừng, đất rừng và nguồn nước từ rừng của cộng đồng. Một điều rất đáng được quan tâm ở đây là, các vụ vi phạm đất, rừng đều được phát hiện và xử lý theo Quy chế của Làng trên nền Luật tục truyền thống của Làng. Cộng đồng người dân Gia Rai của làng Ka Bầy có quy định trong luật tục của họ là không phạt tiền đối với các đối tượng vi phạm mà chỉ phạt bằng hiện vật. Lỗi nào nhẹ thì phạt gà, lợn, nặng hơn thì tăng lên bằng dê, bò, trâu. Cụ thể từ năm 2013 đến tháng 6/2015 người dân làng Ka Bầy đã phát hiện và xử lý nghiêm một số trường vi phạm theo luật tục. 

                    Vào một ngày đầu năm 2013, khi phát hiện một tổ khai thác vàng sa khoáng ở trên đầu con suối đầu nguồn rừng cộng đồng, tổ bảo vệ của làng đã chủ động báo cáo với UBND xã Hơ Moong và phối hợp kiểm tra hiện trường kịp thời, song những người khai thác đã tháo chạy và UBND xã chỉ tịch thu các phương tiện khai thác. Không có hình phạt nào giành cho ai cả, song đã là một cảnh tỉnh cho những ai dám đào xới trên vùng đầu nguồn nước của Làng. Cuối năm 2013, một hộ dân từ xã ngoài vào xâm lấn và khai hoang đất để làm rẫy đã làm phá vỡ ống dẫn nước của Làng. Làng đã họp và phạt người vi phạm 1 con heo 20kg và bắt buộc phải chấm dứt việc vi phạm đất rừng của làng. 

                    Tháng 10 năm 2014, trong một lần tuần rừng, tổ bảo vệ của làng phát hiện 02 cây to trên rừng cộng đồng bị chặt hạ. Không tìm được người gây ra sự cố này, song làng Ka Bây như thấy mình có lỗi. Tổ bảo vệ rừng đã cử đại diện đến UBND xã thông báo và nhận lỗi là đã chưa làm hết sức mình. Và rất gần đây nhất, tháng 5/2015 một vụ xử phạt bằng luật tục đã gây nên một ấn tượng rất tốt cho nhiều bên tham gia bảo vệ và quản lý rừng đầu nguồn nước của cộng đồng. Câu chuyện được Già A Sinh và A Đứu (trưởng làng) kể lại cho chúng tôi, khi đoàn công tác của LISO vào làm việc với các làng và chính quyền xã Hơ Moong.

                  Chuyện kể: 
    "Giữa tháng 5 năm 2015 vừa qua, Công ty nguyên liệu giấy Miền Nam đã triển khai các hoạt động đấu thầu khai thác nhựa Thông trên khu vực rừng của Công ty. Vùng rừng của Công ty nằm trên phía đầu nguồn rừng nguồn nước của làng Ka Bầy cũng nằm trong hoạt động đó. Sau khi trúng thầu người chủ thầu đã thuê một hộ gia đình ở huyện Tu Mơ Rông (chồng là người dân tộc Dao, vợ là người dân tộc Xê Đăng) đến khai thác nhựa Thông. Hộ này đã dựng lều ở tạm trên đất của Công ty và sử dụng nước suối đầu nguồn của làng Ka Bầy để tắm giặt, sinh hoạt và đã gây nên ô nhiễm nguồn nước của Làng. Người dân Ka Bầy đã phát hiện sự xâm hại này và đã báo cho tổ bảo vệ rừng của Làng. Ngay sau khi nhận được thông tin tổ bảo vệ rừng cùng với người dân đã lên tận nơi xử lý việc vi phạm. Thoạt đầu khi thấy sự có mặt của tổ bảo vệ đôi vợ chồng làm thuê đã bỏ chạy. Là tổ trưởng tôt bảo vệ, anh A Đứu nói "có chạy cũng không thoát đâu, chúng tôi biết gia đình anh từ đâu đến và đang làm gì. Nếu bỏ chạy Làng chúng tôi sẽ phạt nặng hơn đấy". Hai vợ chồng không bỏ chạy nữa mà quay lại nói chuyện. Anh A Đứu thay mặt tổ bảo vệ rừng nhẹ nhàng nhưng rành rẽ "Các anh đã làm ô nhiễm rừng đầu nguồn nước của Làng và sẽ bị xử lý theo Quy chế bảo vệ rừng của Làng. Việc xử phạt sẽ do hội đồng già làng quyết định". Hai vợ chồng, cố gắng giãi bày và mong Làng bỏ qua. Song, Luật tục là luật tục, qui chế là quy chế vì điều đó cả làng đã thống nhất. Anh hẹn ngày giờ để đôi vợ chồng xuống gặp gỡ các già làng, tổ bảo vệ rừng trong bản. Sau khi về tới bản Tổ bảo vệ rừng đã thông báo với các bên liên quan về việc vi phạm trên như: Công ty giấy Miền Nam (chủ rừng), UBND xã Già làng cũng như toàn dân làng Ka Bầy đồng thời thông báo thời gian để tổ chức và đưa ra hình phạt đối với vợ trồng trên. Ban đầu vợ chồng người làm thuê có nói sẽ có đại diện của ông chủ (người thuê vợ chồng cạo mủ) xuống chịu phạt là được nhưng cộng đồng không đồng ý vì ông thuê vợ chồng họ làm có vi phạm đâu mà phạt họ. Ai làm người đó chịu. Sau khi họp Già làng và tổ bảo vệ rừng đã đưa ra hình phạt theo luật tục đồng thời thống nhất thành phần tham gia trong buổi họp phạt bao gồm:
           i)Đại diện cộng đồng Làng gồm có Già làng, đại diện hội đồng già làng, trưởng làng, tổ bảo vệ rừng, tổ hòa giải, mặt trận làng;
           ii) Đại diện xã: Công an viên;
           iii) Đại diện công ty nguyên liệu giấy miền nam;
          iv) Người vi phạm. 
    Trong buổi xử phạt Tổ bảo vệ trình bày lý do xử lý vi phạm sau đó Già làng căn cứ quy ước đối chiếu với hành vi vi phạm đưa ra mức xử phạt là 1 con Trâu. Tuy nhiên người vi phạm và Công ty giấy Miền Nam (đơn vị thuê) đưa ra ý kiến về mức phạt của cộng đồng và đề nghị giảm nhẹ vì người vi phạm là hộ nghèo và không biết dòng suối này là nguồn nước sinh hoạt của cộng đồng. Căn cứ vào thực tế Già làng và đại diện cộng đồng thảo luận chấp thuận lý do xin giảm nhẹ theo đề nghị của người vi phạm và của Công ty giấy Miền Nam và quyết định mức phạt là 1 con heo 50 kg và một con gà. Sau khi Hội đồng già làng đưa ra quyết định xử phạt theo luật tục gia đình chịu hình phạt có mong muốn quy đổi hiện vật xử phạt thành tiền. Hội đồng già làng khẳng định là không cần và yêu cầu giao nộp hiện vật đúng thời gian và địa điểm. Nhận các hiện vật phạt vi phạm, cả làng tập trung tại Nhà rông để mổ heo phạt và cùng ăn, có mời người vi phạm và Công ty giấy Miền Nam (nhưng họ xin khất không đến). Việc tổ chức phạt heo và tất cả mọi người cùng ăn uống cũng là dịp để Già làng tuyên truyền nhắc nhở các bên và các thành viên cộng đồng tôn trọng luật tục của Làng.

     Hoạt động bảo vệ rừng và phục hồi rừng nguồn nước của buôn Ka Bầy (dân tộc Gia Rai). Ảnh: LISO
                 
                  Câu chuyện anh A.Đứu chia sẻ đã khẳng định rõ tính kiên quyết bảo vệ rừng đầu nguồn nước của Làng dựa vào luật tục truyền thống. Ông Nguyễn Văn Niệm  - Chủ tịch xã Hơ Moong chia sẻ: "Chỉ có hình thức xử phạt dựa vào luật tục và ý thức cao như người dân làng Ka Bầy mới bảo vệ được rừng cộng đồng. Việc đó không chỉ dừng lại ở việc răn đe mà còn có tính nhân văn cao bởi ý thức của người dân về rừng, nguồn nước là của chung không của riêng ai và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ. Ai vi phạm đều xử phạt không phân biệt người trong hay ngoài Làng".
     
                                                                                                         Tiến Dũng, LandNet

Bài viết khác