Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Lễ cúng rừng của đồng bào các dân tộc Lào Cai

  • Lễ cúng rừng là nét văn hóa độc đáo liên quan đến phong tục, tập quán tín ngưỡng, gắn với bảo vệ rừng của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Lào Cai. Nhờ đó, bao đời nay, những khu rừng thiêng, khu rừng cấm đã tồn tại như một báu vật của đồng bào.
     
    Lễ cúng rừng của người Dao ở xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Nguồn: http://www.nhandan.com.vn

    Chúng tôi lên vùng cao xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, được nghe các già làng, trưởng bản, người có uy tín kể lại rằng, từ thuở lập bản đến nay, đồng bào Mông nơi đây cứ đến ngày 6-6 âm lịch hằng năm lại tổ chức lễ cúng “thần rừng”, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Già làng Ly A De, dân tộc Mông ở thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng cho rằng, lễ cúng rừng là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông. Đồng bào Mông luôn tin rằng, trong rừng có “thần rừng” cai quản và che chở, phù hộ cho dân bản làm ăn suôn sẻ, không mất mùa và cuộc sống hằng ngày no đủ... Sau ba ngày lễ, bà con dân bản tập trung ở khu đất trống cửa rừng để nghe các già làng, trưởng bản và cán bộ kiểm lâm xã phổ biến quy ước bảo vệ và phát triển rừng, cam kết không đốt rừng, chặt phá cây rừng… Đối với đồng bào Dao đỏ ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, nghi lễ cúng rừng được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hằng năm, mang tín ngưỡng dân gian sâu sắc, nhằm giáo dục con cháu tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, và cầu mong mùa màng bội thu... Không chỉ lễ cúng rừng của người Dao đỏ ở xã Gia Phú và đồng bào Mông ở Si Ma Cai, mà hầu hết nghi lễ cúng rừng của một số dân tộc Phù Lá, Nùng Dín hay Hà Nhì…, đều có ý nghĩa giáo dục, giữ gìn phong tục, tập quán văn hóa của ông cha. Ngoài ra, bà con dân bản cùng nhau vào rừng trồng cây tạ ơn “thần rừng” và ký cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường… Cũng có phong tục cúng rừng, đồng bào Hà Nhì ở xã Ý Tý, huyện Bát Xát cúng vào ngày Thìn tháng Giêng, thể hiện sự biết ơn “thần rừng” luôn che chở cho con cháu dân tộc Hà Nhì có sức khỏe, cuộc sống ấm no... Ông Ly Hờ Suy, dân tộc Hà Nhì ở thôn Choản Thèn, xã Ý Tý, huyện Bát Xát cho hay, người Hà Nhì chúng tôi luôn quan niệm rằng, mỗi cây rừng, mỗi cánh rừng đều có thần linh, cho nên không cho phép ai chặt phá rừng. Nếu ai vào rừng chặt cây, người đó sẽ bất kính với “thần rừng”, với tổ tiên, dòng họ... Do vậy, sau lễ cúng ba ngày, mọi người trong bản không được ra, vào bản, không được chặt cây, cắt cây xanh tại khu rừng cấm... Nếu gia đình nào hoặc người nào vi phạm, bị dân bản phát hiện, phải tự bỏ tiền mua lợn, gà..., làm lại lễ nhằm tạ lỗi với thần rừng.
     
    Những quy ước cúng rừng của cộng đồng các dân tộc ở Lào Cai đã trở thành thiết chế văn hóa trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát Bùi Thị Tuyết cho biết: “Lễ cúng “thần rừng” của đồng bào Hà Nhì nói riêng và của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, đều mang nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc mình và đều nhắc nhở con cháu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc…”.
     
    Lễ cúng rừng của mỗi dân tộc ở Lào Cai đều có những nét văn hóa riêng, tín ngưỡng riêng và có quy ước thời gian cúng rừng riêng trong năm. Nhưng ý nghĩa xuyên suốt của lễ cúng rừng của các dân tộc là bảo vệ rừng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay, nghi lễ cúng thần rừng của các dân tộc ở Lào Cai không chỉ trong phạm vi sinh hoạt văn hóa bản, làng, mà còn được phát triển và mang tính cộng đồng cao.
    Nguồn: http://www.nhandan.com.vn

Bài viết khác