Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tọa đàm Quản lý và bảo vệ phát triển rừng phòng hộ Khuân Binh tại xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn

  • Khuân Binh là khu vực phòng hộ quan trọng của Hữu Lũng nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung. Hồ Kuân Binh là công trình thủy lợi quan trọng có vai trò dự trữ, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho xã Hòa Sơn và khu vực hạ nguồn. Trong năm 2011 - 2013, Trung tâm CIRUM đã tư vấn và hỗ trợ giao Giấy chứng nhận quyền quản lý sử dụng đất và rừng (sổ đỏ) cho cộng đồng dân cư thôn và hộ gia đình để quản lý, bảo vệ. Tuy vậy, trong thời gian qua đã có hiện tượng xâm lấn, phát đốt đất rừng trong khu vực rừng cộng đồng để trồng cây Bạch đàn của một số hộ dân. Đây là một trong những nguy cơ làm suy giảm nguồn nước tới hồ và làm cho đất đai trong các vùng rừng ngày càng cằn cỗi. 

    Trước tình hình đó, ngày 23 tháng 4 năm 2015, tại Hội trường UBND xã Hoà Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Hữu Lũng, UBND xã Hoà Sơn, Mạng lưới Đất rừng (MLĐR) đã phối hợp tổ chức "Toạ đàm quản lý, bảo vệ phát triển bền vững khu vực rừng phòng hộ Khuân Binh, xã Hoà Sơn". Tham gia toạ đàm có đại diện của lãnh đạo UBND huyện; Phòng TN&MT; Phòng NN&PTNT; Hạt Kiểm lâm; Mặt trận TQVN; Lãnh đạo, Trưởng các Ban ngành của xã Hoà Sơn; cộng đồng 8 thôn đang sử dụng đất rừng ở khu vực rừng phòng hộ Khuân Binh và các thôn không có rừng song hưởng lợi từ nguồn nước Hò Khuôn Binh; Đại diện Đảng ủy, UBND xã Minh Sơn; MLĐR Hữu Lũng và Trung tâm CIRUM.
     
    (Toàn cảnh cuộc tọa đàm quản lý và bảo vệ phát triển rừng phòng hộ Khuân Binh)

    Tại buổi toạ đàm, đại diện cộng đồng và lãnh đạo địa phương đã thẳng thắn chia sẻ về thực trạng quản lý, bảo vệ tài nguyên đất rừng khu vực phòng hộ lòng hồ Khuân Binh. Một trong những vấn đề được toạ đàm quan tâm đó là tình trạng người vẫn tiến hành mua bán đất rừng và trồng cây Bạch đàn trong khu vực lòng hồ, đi ngược lại chủ trương của huyện và cam kết của chính các hộ trong việc phát triển rừng phòng hộ bằng các giống cây bản địa.  Đây là vấn đề không chỉ dừng lại ở tác hại của việc người dân vẫn cố ý không thực hiện cam kết trồng cây bản địa trên vùng đất rừng phòng hộ, mà họ đã vi phạm pháp luật khi xâm hại đến tài sản của Cộng đồng được Nhà nước giao để quản lý, bảo vệ và phát triển cho mục tiêu phòng hộ.
    Bức xúc trước thực trạng đó, Ông Hoàng Văn Trình thôn Đồng Liên, chia sẻ "Tôi thấy nhận thức của người dân là chưa cao, lợi ích của rừng phòng hộ là rất rõ, cung cấp nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho chúng ta, nhưng hiện nay người dân vẫn vì lợi nhuận trước mắt để trồng cây Bạch đàn. Trước đây, có những giai đoạn rừng phòng hộ lòng hồ Khuân Binh bị chặt phá, hồ bị cạn nước; việc lấy nước để làm ruộng cũng hết sức khó khăn, người dân tranh nhau, cãi nhau. Tôi thấy rằng, trồng cây bạch đàn là rất nguy hiểm, nguồn nước ngày càng bị thu hẹp, cần dẹp bỏ cây Bạch đàn".
     
    (Ông Hoàng Văn Trình thôn Đồng Liên bức xúc chia sẻ tại cuộc Tọa đàm)

    Từ ý kiến của ông Hoàng Văn Trình, cuộc Toạ đàm đã nóng lên khi thảo luận về các giải pháp để khắc phục tình trạng hiện tượng ngầm bán đất của các hộ, sự vi phạm rừng phòng hộ của cộng đồng và trách nhiệm của các bên liên quan. Ông Lương Xuân Quế - Bí thư Đảng uỷ xã nhấn mạnh "Hiện nay khu vực lòng hồ Khuân Binh cộng đồng và hộ gia đình đã được giao sổ đỏ. Vì tính chất rừng được giao là rừng phòng hộ nên chúng ta phải nghiêm túc thực hiện theo đúng chức năng đó bằng việc trồng cây đa dạng, cây bản địa và chấm dứt tình trạng trồng cây Bạch đàn".

    Đại diện của Phòng NN&PTNT, ông Lương Xuân Bính chia sẻ: Cần tích cực tác động để thay đổi nhận thức của người dân trong việc bỏ cây bạch đàn khỏi cay trồng trong khu vực rừng phòng hộ. Họ phải nhận thức rằng trồng cây Bạch đàn chỉ có lợi ích trước mắt mà không lợi cho tương lai lâu dài. Ông Bích cũng cho biết,trong năm qua UBND huyện đã có chủ trương hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp bản địa kết hợp cây phù trợ (Cây Keo). Trong đó: huyện hỗ trợ giống cây, phân bón và chi phí công chăm sóc trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, thực tế thì người dân tham gia trồng cây theo chương trình này còn rất ít, hoặc có hộ nhận cây về những không trồng mà vẫn cố ý trồng cây Bạch đàn. Trong thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với UBND xã Hoà Sơn sẽ tiếp tục rà soát và giải quyết dứt điểm tình trạng trồng cây Bạch đàn trong khu vực lòng hồ Khuân Binh.

     
    (Ông Lê Kiên Cường-Điều phối viên Mạng lưới Đất rừng Hữu Lũng chia sẻ tại tọa đàm)
     
    Cũng tại buổi toạ đàm, ông Lê Kiên Cường - Điều phối viên trưởng MLĐR vùng Hữu Lũng người đã trực tiếp thực hiện 2 lần khảo sát trên vùng rừng phòng hộ Khuân Binh và là người luôn có những ý kiến tư vấn cho chính quyền các cấp trong việc quản lý tài nguyên rừng chia sẻ: việc QLBV rừng là việc làm cần đồng bộ từ cấp chính quyền địa phương tới người dân, cần kiên trì, kiên quyết và có thái độ dứt điểm thì mới đảm bảo được tính bền vững và hiệu quả của công tác quản lý rừng phòng hộ. MLĐR sẵn sàng tham gia tư vấn và hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực liên quan đến QLBV rừng ở khu vực lòng hồ Khuân Binh nói riêng và trên địa bàn Hữu Lũng nói chung.
    Hiện tại, MLĐR đang thực hiện dự án nhỏ do tổ chức CARE tài trợ về việc xây dựng mô hình vườn ươm cây bản địa (Lim, Lát, Muồng...). Với chương trình này có thể bổ sung nguồn cây để trồng vào khu vực phòng hộ Khuân Binh, người dân ở đây mà đăng kí thì MLĐR sẽ hỗ trợ.

    Qua cuộc toạ đàm cho thấy, nhìn chung người dân đã nhận thực được tác hại của việc trồng cây Bạch đàn, đặc biệt là việc trồng ở khu vực lòng hồ Khuân Binh sẽ mang lại nhiều hậu quả trong tương lai. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, việc trồng cây Bạch đàn để có thu nhập nhanh vẫn sẽ chưa có thể hạn chế ngay được trong ngày một ngày hai, cho dù người dân cũng đã được tuyên truyền, vận động và đã nhận được chính sách hỗ trợ từ huyện để bài trừ dần cây bạch đàn ra khỏi vùng lòng hồ.

     
    (Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng phát biểu tổng kết tọa đàm)
     
    Lo lắng, băn khoăn trước thực trạng mà các đại biểu đã đề cập, ông Hoàng Văn Hùng, Phó CT UBND huyện Hữu Lũng đã có chỉ đạo. Ông giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng cụ thể. Theo đó: Phòng TN&MT, Hạt Kiểm lâm, Phòng NN&PTNT, UBND xã Hoà Sơn và cộng đồng cần giải quyết dứt điểm tình trạng mua bán đất, lấn chiếm và phát đốt để trồng cây Bạch đàn trong khu vực lòng hồ Khuân Binh; Đối với MLĐR và Trung tâm CIRUM ông Hùng cũng mong muốn các tổ chức, mạng lưới này tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho cộng đồng trong việc QLBV bền vững tài nguyên đất rừng, đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ Khuân Binh. Những ý kiến chỉ đạo của ông Hùng được Văn phòng UBND huyện Hữu Lũng ra thông báo để gửi tới các ban ngành chức năng liên quan và cộng đồng người dân để thực hiện./.
     
                                                                                                           Bá Thẩm - CIRUM

Bài viết khác