Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Tư vấn giải quyết mâu thuẫn trong Giao đất giao rừng tại xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

  • Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vốn quản lý rừng theo cộng đồng làng bản hàng trăm năm nay. Đến năm 2007, chương trình giao đất theo công nghệ ảnh hàng không (gọi tắt là Chương trình giao đất 102) đã không giao đất, rừng cho cộng đồng làng bản theo truyền thống, mà lại xẻ nhỏ rừng cộng đồng để giao cho một số cá nhân hoặc nhóm từ 2 đến 4 hộ đứng tên trên một “sổ đỏ”. Sự việc sẽ không được biết đến rộng rãi cho đến khi chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2009 được triển khai. Các hộ gia đình ở xã Dền Sáng không đồng ý với cách trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho từng hộ theo sổ đỏ, với lý do: rừng do cả làng bản bảo vệ, nhưng chỉ trả tiền cho người có sổ đỏ là bất hợp lý. Mọi người cũng nhận ra: việc cấp sổ đỏ vô hình chung đã làm mất quyền quản lý đất rừng chung của làng bản.

    Khảo sát và xác định ranh giới đất cộng đồng ở Dền Sáng
     
    Trước những bất cập, vướng mắc đó, UBND huyện Bát Xát đã gửi công văn đề nghị trung tâm CIRUM tư vấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề vào năm 2016. Sau khi tiếp cận cộng đồng để nắm bắt tình hình, lãnh đạo CIRUM và UBND huyện Bát Xát đã thống nhất chủ trương triển khai giao đất giao rừng (GĐGR) cộng đồng tại 5 thôn bản ở xã Dền Sáng. Mặc dù nhóm công tác có kế hoạch đợt đầu chỉ gặp đội ngũ nòng cốt của thôn bản để tìm hiểu thông tin về đất rừng, nhưng có trên 80% đến gần 100% số hộ ở các thôn đến dự họp với mong muốn giải quyết những vướng mắc hiện tại. Trong quá trình tư vấn, cán bộ CIRUM nhận thấy vấn đề không đơn giản là việc phân chia lợi ích từ dịch vụ môi trường rừng, mà là nhu cầu của cộng đồng được khẳng định quyền sử dụng đất và rừng chung theo truyền thống.
     
    Hai đại diện (chủ rừng) của 2 cộng đồng thôn bắt tay thống nhất ranh giới.
     
    Trong quá trình khảo sát, đo đạc đất và xác định trạng thái rừng trên thực địa tại xã Dền Sáng đợt đầu tiên vào tháng 5/2017, các vướng mắc và chồng chéo giữa đất rừng của hộ gia đình, cá nhân và đất của các cộng đồng làng bản đã được phát hiện và tháo gỡ. Một số hộ dân vi phạm quy ước cộng đồng, trồng vầu và cây củi vượt quá phạm vi 50m kể từ nhà ở để lấn vào đất cộng đồng. Ngoài ra, một số gia đình ở thôn Ngải Trồ làm vườn vượt qua ranh giới sang đất thôn Dền Sáng. Mặc dù có hộ gia đình đã bị phạt 1 con lợn 1 tạ và phải phá hàng rào vườn, nhưng đến khi đo đạc, họ vẫn gây khó dễ và tỏ ý không đồng ý. Tổ công tác đã tư vấn cho các thôn tự tổ chức họp, mời các già là người hiểu rõ nhất về ranh giới để lên tiếng về việc giữ gìn rừng tập thể của thôn bản. Qua đó, các thôn và các hộ có ranh giới giáp ranh đã cùng nhau thảo luận để thống nhất lại ranh giới giữa các gia đình và cộng đồng trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên. Một số hộ được cho phép khai thác Vầu trong năm nay, và năm sau trả lại đất và cây trên đất cho cộng đồng. Sau khi xác định rõ ranh giới, các bên thống nhất đánh dấu sơn và bấm máy GPS, chụp ảnh từng mốc giới cụ thể. Đối với các gia đình cán bộ, tổ công tác để thôn tự giải quyết trên tinh thần bình đẳng, không nhượng bộ, với phương châm: “cán bộ ở ngoài, về thôn vẫn là người của thôn”.
    Như vậy, bài học nắm vững nguồn gốc lịch sử, lắng nghe ý kiến và cách phân xử của các già làng, vận dụng quy ước cộng đồng, cùng với vai trò chủ động tự giải quyết vấn đề nội bộ của tập thể các thôn bản đã được phát huy tốt. Khi đó, tổ hỗ trợ kỹ thuật GĐGR sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình khi giữ vai trò trung gian, giúp ghi nhận các ý kiến, chứng kiến tọa độ, xác nhận ranh giới để giúp giải quyết triệt để các vướng mắc về đất và rừng của cộng đồng.
     

Bài viết khác