Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Một ngày với Cộng đồng Đắc Chum 1 và Dự án phát triển sinh kế dưới tán rừng

  • Dự án hỗ trợ giao đất giao rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng bằng các loại cây dược liệu cho phụ nữ và cộng đồng dân tộc Xê Đăng tại làng Đắc Chum 1 bắt đầu từ tháng 3 năm 2017, và đã về đích theo cam kết giữa các bên. Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp diện trên tích 293,48ha đã được lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông trao tận tay cộng đồng dân cư làng Đắc Chum 1. Bốn nhóm hộ gia đình đã trồng thành công 125 mầm Sâm Ngọc linh quý hiến trên rừng của làng và trồng trên 2.000 cây Đương quy trên các vùng đất bãi và rẫy cà phê. Làng có thêm 1 vườn ươm cây Đương quy giống do huyện đầu tư, để chủ động nguồn giống trong thời gian tới.
     
    Lên cao với Sâm Ngọc Linh
    Ngày 16/01/2018 Trung tâm CIRUM tổ chức đánh giá kết quả của dự án giao đất giao rừng và trồng cây dược liệu tại làng Đắc Chum 1, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Tham gia đoàn có lãnh đạo và cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Tu Mơ Rông, lãnh đạo Đảng ủy và UBND xã Tu Mơ Rông, cơ quan tư vấn thực hiện GĐGR, trưởng làng và người dân làng Đắc Chum 1.
    Với phương châm: thăm thực địa trước, họp và thảo luận sau, đoàn đánh giá đã rồng rắn trên con đường hơn 1 km lở lói nghiêm trọng sau mùa mưa 2017 để đến khu rừng của cộng đồng dân cư làng Đắc Chum 1. Bắt đầu từ bìa rừng, từng người bám theo chân người đi trước trèo dốc gần như dựng đứng dài 300m, lên gần đỉnh rừng ở độ cao 1.550m so với mặt nước biển để thăm khu trồng sâm Ngọc Linh; sau đó lại trượt xuống chân dốc và tìm đến các khe suối nằm sâu trong rừng nguyên sinh, nơi các làng sử dụng để phân định ranh giới rừng và đất đai với nhau. Leo rừng, thở đứt hơi; lội suối bước nhanh để tránh ve vắt bám, song người nào cũng vui vì được trải nghiệm những gì mà ngày thường bà con Xê Đăng làng Đắc Chum 1 vẫn làm.
     
    Ảnh 1: Lãnh đạo xã, các cán bộ Phòng NN&PTNT, cán bộ Trung tâm cùng các thành viên nhóm trồng Sâm Ngọc Linh do A Phan làm trưởng nhóm trước vườn Sâm nằm ở độ cao 1.550 m

    Trên đỉnh cao 1.550 m, anh A Phan, trưởng làng Đắc Chum 1 cho biết: đại diện của làng và Phòng NN&PTNT huyện đã khảo sát và xác định đây là khu vực phù hợp cho Sâm Ngọc Linh sinh trưởng và phát triển. Nhóm 8 hộ dân do A Phan phụ trách đã trồng 65 mầm sâm đầu tiên trên khoảng trống hơn 200 m2 bằng phẳng, có lớp mùn dày trên 60cm và được cây rừng tỏa bóng che mưa nắng chung quanh. Là cây quý hiếm nên các hộ đã làm rào bằng những cây rừng chắc chắn, bố trí chông nhọn sắc chung quanh để ngăn chặn người ngoài vào lấy trộm. Về lý do chọn khu đất trồng Sâm, anh A Phan cho biết “Trước đây các ông bà già mình phát hiện và lấy được Sâm Ngọc Linh ở đây. Họ thấy có Sâm Ngọc Linh ở đâu thì chắc là nơi đó Sâm mọc và sống được. Theo mình như thế là đúng. Năm 2014 cũng có người nhặt được Sâm chung quanh khu vực này. Ở phía dưới thấp hơn cây Sâm không mọc được đâu”. Bổ sung thêm cho ý kiến anh A Phan, anh Thắng, chuyên viên Phòng NN&PTNT cho biết “Phòng đã phối hợp với bà con đi khảo sát định vị trước khi trồng sâm; và cây sâm có lịch sử mọc tốt tại đây; độ cao trên 1.500 m rất phù hợp với sinh lý sinh thái cây Sâm. Cả bên Tu Mơ Rông chúng tôi cũng xác định ở độ cao như vậy”.
    Chụp chung một bức ảnh với anh chị em nhóm trồng Sâm, một thành viên trong đoàn đùa: “Chụp nhưng đừng đưa lên FaceBook rồi người ta phát hiện ra tọa độ lại đến trộm là nguy hiểm đó nghe”. Cả đoàn cười. Chúng tôi quan sát và tin là sẽ rất khó có người tự mình tìm đến đây mà không có người dân dẫn đường. Có nhiều lý do. Thứ nhất là các hộ trồng Sâm đã phân công nhau hàng ngày lên bảo vệ. Họ biết rằng sau 2 năm cây Sâm sẽ cho hạt và mỗi hạt sẽ là cơ hội để có 1 cây Sâm mới. Hiện nay trên thị trường 1 hạt

    Sâm giống có giá 50.000 - 80.000 đồng. Còn Sâm củ từ 5-7 năm có giá từ 70 đến 75 triệu đồng/kg. Họ cần phải có mặt thường xuyên tại vườn sâm. Lý do thứ 2 là luật tục xử về tội trộm cắp rất nặng làm ai cũng phải sợ. Ăn trộm ngoài việc bị làng phạt có khi bằng giá trị con trâu, thậm chí bị đuổi khỏi làng. Lý do thứ 3 là người dân đã rào dựng chông chung quanh vườn để bảo vệ Sâm; ai không biết sẽ dính chông. Tất cả những thứ đó sẽ là cơ sở để người dân bảo vệ tốt những mầm Sâm giống của mình.
    Sâm có giá trị kinh tế lớn nên người dân rất có ý thức bảo vệ. Và cũng vì vậy mà A Phan trưởng làng Đắc Chum chia sẻ với chúng tôi “Hiện nay các em đã trồng 125 mầm Sâm, chia làm 2 khu. Một khu 8 hộ với 65 cây và khu khác kế bên do A Tài phụ trách, có 4 hộ với 60 củ giống. Các củ sâm giống đang sống. Có củ có lá, có củ chỉ đang nhú chồi. Chúng em cũng chỉ dự tính khoảng 95% số cây sống. Nếu Trung tâm đầu tư thêm cho khoảng 500 mầm thì thật sự tốt cho làng quá”. Anh A Phan cũng cho biết là chưa từng trồng Sâm, song thấy rất khả quan nên một số hộ tìm cách tự đầu tư trồng thêm để xóa đói giảm nghèo. Anh em trong đoàn chia sẻ với các thành viên trồng Sâm về ý nghĩa của khoản đầu tư ban đầu và triển vọng nhân giống bằng hạt của cây Sâm sau 2 năm sinh trưởng ổn định để họ yên tâm. Tuy nhiên, mặc dù không có thêm ý kiến gì, song anh em trong các nhóm trồng Sâm vẫn muốn được hỗ trợ thêm để thỏa mãn khả năng chăm sóc và bảo vệ của họ khi họ chưa đủ nguồn lực. A Phan cho biết: vì diện tích trồng Sâm trên núi cao, đường đi lại rất khó khăn phức tạp, mặc dù muốn giao cho phụ nữ, nhưng sẽ rất khó khăn cho chị em đi lại, nên cộng đồng giao cho nhóm nam giới phụ trách, và cũng sẽ vì quyền lợi cho nhóm và cả làng. Nhận định về trồng Sâm, A Tài, trưởng nhóm 4 hộ chia sẻ “việc trồng sâm không chỉ xóa đói giảm nghèo mà kết hợp rất tốt với bảo vệ rừng. Ngoài cây sâm Ngọc Linh các thành viên nhóm có thể trồng thêm Sâm dây, cây Lan Kim tuyến chung quanh để có thêm thu nhập”.

    Về làng với Đương quy
    Rời đỉnh cao của núi rừng Đắc Chum 1, chúng tôi lần xuống khe sâu đến với Ngã 3 con suối nơi phân chia ranh giới rừng giữa làng Đắc Chum 1 và làng Tu Mơ Rông. Phía trước chúng tôi nhóm dẫn đường khi thì lom khom, khi dựng thẳng người bám cây trượt người xuống dốc, khi thì bước nhanh trên các hòn đá trên suối để tránh vắt, ve, muỗi rừng tấn công. Chúng tôi theo các anh và cuối cùng cũng đến được với những địa điểm mà dân làng đã xác định mốc giới rừng giữa các làng. Một hòn đá cũng được ghi tên mốc, một cái cây cũng được đánh dấu lãnh thổ và để rõ ràng hơn cho mỗi làng dễ nhận rừng của mình, trên 2 bờ suối có đóng các biển báo bằng tấm tôn không rỉ với dòng chữ “Rừng làng Tu Mơ Rông” hoặc “Rừng làng Đắc Chum 1”. Thật là cụ thể và cũng thật minh bạch. Người xưa nói “thương nhau rào giậu cho kín” là vậy. Để tránh xâm phạm vào rừng của nhau, bà con dùng hòn đá, cái cây và cả những nguyên liệu mới để đánh dấu. Thực sự là một cuộc cách mạng để chuyển từ một ranh giới có tính ước lệ và chỉ ghi nhớ trong đầu bằng việc đánh dấu mốc giới quản lý rõ ràng trên thực địa. Rừng chung quanh chúng tôi là rừng nguyên sinh với những cây gỗ lớn. Nước trong những cánh rừng này trong vắt, và theo những người dẫn đường là chưa bao giờ cạn.
     
    Ảnh 2: Đương quy đang trổ bông được nhóm trồng Đương quy làng Đắc Chum 1 giữ lại để nhân giống
     
    Hết leo núi lội khe, chúng tôi về làng, đến thăm các khu trồng Đương quy của các chị trên vùng đồi ven rừng và xen kẽ trong nương cà phê. Đương quy sống dễ và không kén chăm sóc và đầu tư. Ngay cả trong rẫy cà phê thì Đương quy trồng xen cũng rất hiệu quả và cho hoa rất khỏe. Quản lý và điều phối các nhóm trồng Đương Quy là các chị Y Tin, Phó trưởng làng và Y Hoa, Bí thư chi bộ làng, đồng thời là các trưởng. Mỗi chị phụ trách 5 hộ gia đình làm thí điểm. Các chị cho biết: vừa qua huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng Đương quy; tỷ lệ sống chưa cao do lần đầu chị em trồng. Để khắc phục rủi ro đó, huyện đã hỗ trợ làng 1 vườn ươm cây đương quy để chủ động về cây giống. Chắc chắn thời gian tới chị em sẽ không lúng túng với việc trồng Đương quy nữa.

    Mở ra tương lai với ‘Sổ đỏ’ cho cộng đồng
    Trọn vẹn cả buổi sáng chúng tôi lạc vào mê cung của cánh rừng nguyên sinh với khe suối và những khu trồng Sâm, trồng Đương quy, để buổi chiều về lại với Nhà Rông làng Đắc Chum 1 chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp lâu dài cho cộng đồng dân cư làng Đắc Chum 1. Ông A Rin Ka, Phó Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông trực tiếp xuống làng trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đại diện cộng đồng.
    Tại buổi lễ này, ông A Rin Ka căn dặn và chia sẻ: “Nhà nước giao rừng cho mình rồi. Làng phải tự bảo vệ lấy, không để xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy. Không phải giao rừng rồi là của mình muốn làm gì thì làm. Đây là tài sản Nhà nước giao và vì lợi ích cả cộng đồng. Các loại cây dược liệu quý đang được hỗ trợ của Trung tâm CIRUM phát triển trên rừng cần được chăm sóc bảo vệ tốt. Những cây thuốc bản địa khác cũng không nên khai thác tận kiệt mà phải có sự bàn bạc trong làng”. Ông A Rin Ka cũng cho biết “huyện đang có chủ trương phát triển rộng cây Đương quy. Giống đang có. Làng lên danh sách để nhận giống gấp”. Ông chia sẻ “Công ty dược tỉnh Kon Tum hiện vẫn nhập Đương quy từ Trung Quốc về, thì không có cớ gì chúng ta lại không phát triển Đương quy tại địa phương để cung cấp tại chỗ. Chưa biết chất lượng thế nào giữa Đương quy nhập và đương quy phát triển tại Tu Mơ Rông. Huyện đã gửi mẫu đi xét nghiệm và sẽ cung cấp thông tin cho bà con. Phát triển cây Đương quy là định hướng của huyện”. Về khả năng cho thu của cây Đương quy, ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng phòng NN&PTNT cho biết: “hiện tại Đương quy có giá rất tốt trên thị trường vào khoảng 50.000-60.000 đồng/kg. Còn nếu giá xuống đến 10.000 đồng/kg thì hạch toán vẫn có lãi. Do vậy bà con yên tâm phát triển”.
     
    Ảnh 3: Tại Nhà Rông làng Đắc Chum 1 Ông A Rin Ka (áo bộ đội thẫm màu) chụp ảnh chung với đại diện làng Đắc Chum tại buổi lễ nhận Giấy chứng nhận quyền quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp
     
    Đáp lại lời căn dặn của Phó Chủ tịch huyện A Rin Ka, thay mặt cộng đồng chị Y Hoa, Bí thư chi bộ làng chia sẻ niềm vui của bà con khi nhận Giấy chứng nhận quyền quản lý sử dụng rừng. Chị cho biết: dân làng đã biết rất rõ rừng của làng mình đến đâu để bảo vệ, không chặt phá để làm rẫy, không cho người ngoài vào khai thác các dược liệu bừa bãi. Thay mặt cộng đồng, chị cảm ơn chính quyền các cấp, Trung tâm CIRUM đã tạo điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, và hứa sẽ tự quản lý, bảo vệ tốt rừng của mình.

    Ghi nhận những nỗ lực của các bên tham gia, đại diện Trung tâm CIRUM chúc mừng làng Đắc Chum 1 chính thức tiếp nhận quyền quản lý sử dụng rừng và chúc các nhóm trồng dược liệu không chỉ phát triển tốt các loại sâm Ngọc Linh, Đương quy do dự án hỗ trợ, mà còn biết khai thác hợp lý các cây dược liệu bản địa khác như sâm dây, máu chó, quả ngũ vị tử để có thêm thu nhập; đồng thời luôn phối hợp chặt chẽ với cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao.

Bài viết khác