Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Phụ nữ Xê Đăng và dân làng Tu Mơ Rông phát triển sinh kế dưới tán rừng

  • Dự án hỗ trợ giao đất giao rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng bằng các loại cây dược liệu quý tại làng Tu Mơ Rông đã được Trung tâm CIRUM và lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông hỗ trợ từ tháng 3 năm 2017; đến tháng 01/2018 đã đạt được những kết quả theo đúng cam kết phối hợp giữa các bên. Diện tích 245,34ha rừng và đất lâm nghiệp đã được Chính quyền huyện Tu Mơ Rông trực tiếp trao tận tay cho cộng đồng dân cư làng Tu Mơ Rông; các nhóm phụ nữ đã triển khai trồng thành công 125 mầm Sâm Ngọc linh quý hiến và 2.950 cây đương quy để tạo thêm sinh kế lâu dài gắn với quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho người dân.

    Vai trò của lãnh đạo nữ
    Sáng 17/1/2018 đoàn đánh giá dự án của Trung tâm CIRUM tổ chức thăm thực địa, đánh giá các hoạt động giao đất giao rừng và trồng cây dược liệu tại làng Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông.
    Đứng trên lưng chừng dốc hướng về khu vực trồng sâm Ngọc Linh trên cánh rừng nguyên sinh của làng, chị Y Thu- trưởng làng Tu Mơ Rông chia sẻ “Được Trung tâm CIRUM hỗ trợ giao đất giao rừng (GĐGR) và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng bà con vui lắm. Người làng tham gia đi khảo sát rừng có cả nam lẫn nữ. Đi cắm mốc và giao đất giao rừng trên thực địa cũng có cả nữ lẫn nam. Em đã huy động 21 thành viên trong làng tham gia GĐGR đấy. Rất vui. Bây giờ chị em cũng như bà con đã biết rõ rừng mình từ đâu đến đâu rồi. Cả làng yên tâm là rừng đã được Nhà nước giao cho mình thực sự rồi. Sâm Ngọc Linh và Đương quy đã trồng và đảm bảo sống, nên chị em rất phấn khởi”.
     
    Ảnh 1: Các thành viên nhóm phụ nữ trồng sâm làng Tu Mơ Rông chăm sóc Vườn Sâm Ngọc Linh trên độ cao 1.550 m
    Là một trưởng làng quản lý 53 hộ gia đình, chị Y Thu được chính quyền xã và huyện đánh giá cao về năng lực quản lý, tổ chức và triển khai các hoạt động của làng, của xã. Chia sẻ với đoàn đánh giá, Y Thu nói “làng em có nhiều hộ là gia đình cán bộ làm việc ở xã, huyện nên công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và huy động tham gia cũng thuận lợi. Hiện em là trưởng làng còn chị Y Hương là Bí thư chị bộ, và chúng em luôn phối hợp với nhau trong mọi việc”. Thực tế đúng như chia sẻ của Y Thu, khi chúng tôi được Y Thu và Y Hương dẫn đi thăm nơi có hoạt động cắm mốc giới, nơi tổ chức trồng Sâm Ngọc Linh và các khu vực trồng Đương quy. Trong ranh giới rõ ràng giữa các làng chung quanh, 125 mầm giống Sâm Ngọc linh đã mọc lá với tỷ lệ sống 100%, và những mảnh ruộng Đương quy dưới chân rừng đang hứa hẹn cho một vụ giống để nhân rộng.
     
    Gắn kết cộng đồng, phát triển sinh kế dưới tán rừng
    Tham gia đoàn, ngoài cán bộ của Trung tâm CIRUM còn có Ông A Rin Ka, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, lãnh đạo Phòng NN&PTNT, lãnh đạo UBND và Đảng ủy xã Tu Mơ Rông, cơ quan tư vấn và các đại diện cộng đồng. Nhiều thành viên trong đoàn lần đầu được leo dốc dài khoảng 350m trong tình trạng trán người đi sau có thể chạm gót người đi trước để hơn 1 tiếng mới lên tới độ cao 1.550 m so với mặt nước biển nơi thích hợp trồng sâm Ngọc Linh; được chui rừng đầy ve vắt đến với các khe suối là ranh giới tự nhiên giữa các làng để thấy được những điểm mốc giới, biển báo ranh giới các khu rừng của các làng; và được chụp ảnh bên những ruộng Đương quy đang mùa trổ bông cho hạt giống. Ai cũng vui và phấn khích. Anh Thắng, chuyên viên Phòng NN&PTNT hỏi anh em trong đoàn công tác “các anh thấy công việc anh em chúng tôi và bà con làm có ổn không? Chị em tham gia như vậy đã đúng mong muốn của Trung tâm là phát huy vai trò phụ nữ chưa anh?”. Anh cười cười nhìn các chị và bảo “Trung tâm CIRUM quan tâm nhất là phụ nữ dân tộc đấy”. Y Hương và Y Thu cười vui và chia sẻ “các anh chị tin các em, các em cũng phải cố gắng chứ”. Anh em trong đoàn hỏi đùa “thế chỉ có phụ nữ cố gắng thôi à?”. Chị Y Thu nhỏ nhẻ “nam giới cũng cố gắng. Các anh ấy được chúng em phân công đào đất, làm rào và hiện nay do nơi trồng sâm xa và cao quá, phụ nữ không thể thường xuyên hàng ngày lên đó được nên chúng em phân công các anh mỗi ngày có 2 người lên vườn sâm để kiểm tra, bảo vệ và tưới cây”. Đồng thuận với ý kiến của Y Thu, anh A Phê khẳng định với chúng tôi một cách hiền khô “Đúng đấy. Chị em phân công thì mình chấp hành thôi. Trách nhiệm của anh em mà”.

     
    Ảnh 2: Các đại diện của Nhóm phụ nữ trồng Sâm Ngọc Linh chụp ảnh chung với lãnh đạo huyện, xã, các phòng ban chức năng và cán bộ Trung tâm CIRUM
     
    Hiện Y Thu là nhóm trưởng và Y Hương là nhóm phó nhóm trồng sâm. Các nhóm trồng Đương quy cũng hầu hết là nữ. Đương quy thường được trồng trên các vùng đất thấp ven rừng, ven suối, trên các vùng đất bãi nên các chị chủ động phân công nhau chăm sóc hàng ngày. Đương quy tốt, đang có giá, và là một trong những cây nằm trong định hướng phát triển mở rộng của huyện Tu Mơ Rông và tỉnh Kon Tum.
     

    Ảnh 3: Y Thu và Y Hương kiểm tra ruộng Đương Quy làng Tu Mơ Rông
     
    Với vai trò là Bí thư làng Tu Mơ Rông chị Y Hương vui vẻ “Em và Y Thu chia sẻ và phối hợp với nhau mọi thứ để cùng hoàn thành nhiệm vụ với bà con. Là phụ nữ, chị em chúng em bận nhiều việc gia đình hơn mấy anh nhiều, nhưng chúng em đã luôn hoàn thành trách nhiệm với kết quả xuất sắc đấy”. Điều đó có thể thấy được ngay trên thực tế trong việc trồng Sâm và Đương quy cũng như sự sắp xếp công tác quản lý bảo vệ của các chị. Sâm Ngọc Linh là loại cây kén đất, khó trồng, khó bảo vệ, vậy mà 100% mầm sâm Ngọc Linh các chị trồng đã sống và phát triển bình thường; những khoảnh ruộng nhỏ trồng Đương quy đang hứa hẹn ra hoa cho hạt để làm giống. Hướng về anh Thắng, cán bộ Phòng NN&PTNT người chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật trồng Sâm Ngọc linh, Y Hương cười “Cũng xin lỗi các anh kỹ thuật của huyện nhé. Các anh bày cho các em nhiều nhưng khi thực hiện thì chắc không được 100%, nhưng rất may, hiện tại thì 100% cây sống”. Trong đoàn có người hỏi lại “Y Hương khéo thế, tại thời điểm hiện tại Sâm sống 100% vậy sắp tới thì sao?”. Lại cười “chúng em sẽ cố gắng chăm sóc để cho cây sống tốt. Nhưng không biết được đâu…”. Thật tuyệt, chị em Xê Đăng không chỉ giỏi việc nhà mà rất đảm việc chung của cộng đồng và xã hội. Họ làm việc cẩn trọng, chu đáo và luôn biết động viên, phối hợp với các đức ông chồng để đạt được những kết quả có tính bền vững và đồng thuận cao.
     
    ‘Bìa đỏ’ và ước vọng tương lai
    Kết thúc thăm thực địa, đoàn đánh giá về lại làng Tu Mơ Rông để dự lễ bàn giao chính thức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho cộng đồng dân cư làng Tu Mơ Rông. Đây là kết quả phối hợp giữa nhiều bên, có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì không gian sinh tồn của người dân Xê Đăng gắn với các sinh kế truyền thống dựa vào rừng của họ.
    Buổi lễ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng (‘bìa đỏ’) được tổ chức tại Nhà Rông - Trung tâm văn hóa của làng. Với việc tổ chức giao ‘bìa đỏ’ ngay tại làng, Chính quyền huyện và xã mong muốn các hoạt động đến gần với dân hơn, mong mọi người dân đều chứng kiến được giây phút trọng đại khi họ tiếp nhận một tài sản lớn mà Nhà nước đã hợp thức hóa và trao cho họ. Cũng qua đó động viên được toàn thể người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng có hiệu quả.
    Không khí buổi lễ nghiêm trang song chan chứa sự thân mật và gần gũi giữa lãnh đạo UBND huyện, xã, cán bộ các tổ chức hỗ trợ và cộng đồng người dân. Phần lớn đại diện cộng đồng đến dự lễ là nữ. Với vai trò vừa là trưởng làng vừa là trưởng nhóm trồng sâm, Y Thu tiếp nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp từ Ông A Rin Ka-Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông trao và xúc động chia sẻ “hôm nay chị em và làng rất vui. Rất cảm ơn Trung tâm CIRUM và huyện đã giao đất, rừng cho làng. Làng sẽ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển tốt rừng và đất rừng được giao”.

    Nhân lễ trao ‘bìa đỏ’ cho cộng đồng dân cư làng Tu Mơ Rông, ông A Rin Ka, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ với đại diện làng Tu Mơ Rông “Thưa bà con, bắt đầu từ ngày hôm nay làng mình đã có được nhận giấy chứng nhận. Trong thời gian tới làng cần tổ chức họp lại toàn dân để quán triệt bà con không được phá rừng làm rẫy, mà tiếp tục trồng và bảo tồn các loại cây dược liệu như Sâm Ngọc Linh, Đương quy mà Trung tâm CIRUM đã hỗ trợ. Ngoài ra còn có các loại cây dược liệu bản địa như Ngũ vị tử, Sa nhân, máu chó và các loại cây dược liệu khác dưới tán rừng cũng cần phải được bảo vệ tốt. Hàng tháng, hàng quý phải họp nhau lại để bảo vệ rừng, không cho người ngoài vào chặt phá rừng, làm rẫy”. Ông chia sẻ thêm “bước đầu bà con đã có rừng, nhưng thực tế cho thấy tài nguyên thiên nhiên cũng đã cạn kiệt nhiều rồi, bây giờ cần phải phục hồi, tái sinh và mong Trung tâm tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho bà con để làm cơ sở ban đầu. Sự hỗ trợ đó nó như là cho quả trứng, để quả trứng nở con gà, rồi con gà tiếp tục đẻ ra những quả trứng. Ý là nhân rộng ra. Bà con và huyện rất cảm ơn Trung tâm CIRUM”. Ông chuyển lá thư cảm ơn của lãnh đạo UBND huyện về việc hỗ trợ của Trung tâm CIRUM cho đoàn công tác và gửi gắm: “trên cơ sở những kết quả hỗ trợ tại 2 làng Tu Mơ Rông và Đắc Chum 1, Trung tâm CIRUM có thể tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ giao đất giao rừng cho 7 làng phía Đông huyện. Đây là những làng nghèo và chưa được giao rừng và đất lâm nghiệp. Huyện Tu Mơ Rông là huyện nghèo nên khả năng huy động nguồn lực tại chỗ vô cùng khó khăn”.
     
     
    Ảnh 4: Lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông và xã Tu Mơ Rông chụp ảnh chung với đại diện cộng đồng làng Tu Mơ Rông nhân lễ nhận Giấy chứng nhận quyền quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp
     
    Thay mặt đoàn công tác, đại diện của Trung tâm CIRUM chúc mừng người dân làng Tu Mơ Rông nhân dịp nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp lâu dài, đồng thời chúc mừng chị em trong các nhóm phát triển dược liệu đã tiếp nhận thành công sự hỗ trợ của Trung tâm CIRUM. Trung tâm đánh giá, ghi nhận sự hợp tác hiệu quả của lãnh đạo chính quyền địa phương và hy vọng kết quả của chương trình GĐGR và phát triển dược liệu sẽ được phát huy. Kết quả ban đầu của dự án sẽ tạo nền tảng vững chắc cho công tác phục hồi, phát triển các loại cây dược liệu hướng tới sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Rừng là tài nguyên quý, như các dân tộc trên Tây nguyên vẫn nói: “Rừng là cái nong, cái nia, là cái lưng của ông bà cần được quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả cho muôn đời con cháu”.

    Như đã có sự chuẩn bị, trước khi rời làng Tu Mơ Rông, đoàn công tác đã được thưởng thức những ghè rượu đậm đà được làm từ củ mỳ và men lá lấy từ khu rừng nguyên sinh của làng. Thật là hạnh phúc khi được hiện diện trong cái vị say nồng của những ghè rượu cần và tình cảm trân quý của người dân làng Tu Mơ Rông. Chúng tôi sẽ trở lại với bà con và cánh rừng nguyên sinh của làng để được lắng nghe và thưởng thức những âm thanh và hương vị từ núi rừng trong một ngày không xa.

Bài viết khác