Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Tổng kết dự án trồng Đót do phụ nữ Vân Kiều thực hiện tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

  •  Ngày 5 tháng 3 năm 2018 tại nhà văn hóa bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã diễn ra lễ tổng kết dự án nhỏ “Tăng thu nhập và trao quyền cho phụ nữ dân tộc Vân Kiều thông qua dự án phục hồi và khai thác bền vững cây Đót tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình”. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án EU tài trợ do Trung tâm CIRUM chủ trì vận động và phối hợp với Quỹ phát Triển nông Thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (RDPR), chính quyền xã Trường Sơn, Mạng lưới Đất rừng vùng Quảng Bình tổ chức thực hiện. Tham dự tổng kết có gần 30 thành viên bao gồm 10 hộ gia đình được hỗ trợ, đại diện UBND xã Trường Sơn, Trung tâm RDPR, Trung tâm CIRUM, đại diện Mạng lưới Đất rừng vùng và các hộ gia đình trong bản Khe Cát.

              Dự án triển khai từ tháng 4/2017 và đến nay đã đem lại những kết quả ngoài mong đợi. Tất cả 10 hộ gia đình tham gia đều có mô hình Đót rất đẹp. Để có được kết quả đó các hộ tham gia dự án đã được tham quan mô hình phát triển đót trên địa bàn huyện Minh Hóa, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và đã áp dụng đồng bộ trên phần đất rừng của gia đình mình. Kết quả đạt được sau gần 1 năm thực hiện là rất ấn tượng. Với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ trồng 5ha đót/10 hộ gia đình, khi thực hiện các hộ đã tự nhân rộng thành 10ha/10 hộ gia đình. Sản lượng đót thu về trong vụ đầu tiên là 43 tấn/10 hộ. Với giá thị trường 4.000đ/1kg thì 10 hộ đã thu về số tiền 172 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ thu được 17,2 triệu đồng. Một con số rất lớn không chỉ với bà con Vân Kiều bản Khe Cát mà cả với chính quyền cơ sở, bởi từ trước đến nay chưa có mô hình nào trồng trên rừng mà sau chưa đầy 1 năm lại cho thu nhập tốt như thế. Cây đót thực sự đã là cứu cánh cho các hộ gia đình nghèo của bản Khe Cát và khả năng nhân rộng là rất khả quan.
    Chị Hồ Thị Hồng - Trưởng ban Quản Lý dự án nhỏ bản Khe Cát chia sẻ: Mô hình trồng Đót cho thu hoạch vào đúng vào thời kỳ Giáp hạt và đúng vào dịp Tết Nguyên Đán. Bình thường hàng năm vào dịp này gia đình tôi không có gì để thu hoạch nên có gì thì ăn nấy. Tuy nhiên năm nay nhờ có nguồn thu từ việc bán Đót, nên dịp Tết gia đình tôi và các hộ gia đình tham gia đã tự mua được gạo, gói được bánh và mua được một vài đồ dùng nhỏ cho gia đình. Hết tết chúng tôi lại tiếp tục thu hoạch Đót để bán nên lại có tiền cho con đi học hay dùng cho các việc gia đình dịp đầu năm.

              Trong bản Khe Cát hiện nay ngoài 10 hộ gia đình tham gia dự án trồng Đót còn có thêm 03 hộ đã tự khoanh nuôi bảo vệ cây Đót với diện tích 1ha/hộ. Các hộ này được Chị  Hồng - Trưởng nhóm chia sẻ lại các kinh nghiệm và các khâu kỹ thuật lựa chọn giống và kỹ thuật trồng nên rừng đót của các họ cũng sinh trưởng và phát triển tốt.

              Như vậy, dự án Nâng quyền cho Chị em phụ nữ thông qua hoạt động tạo thu nhập tại bản Khe Cát, xã Trường Sơn đã thành công và rất hiệu quả ngay trong năm đầu tiên triển khai. Ông Trần Văn Trung - Trạm phó Trạm khuyến nông huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ "Đây là mô hình trồng Đót có quy mô, quy hoạch rõ ràng đầu tiên của huyện. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình đã và đang đem lại những hiệu quả về kinh tế và môi trường cho các hộ tham gia dự án. Số tiền thu được từ việc bán Đót là hơn 170 triệu đồng/10ha/10 hộ gia đình là rất lớn đối với các gia đình nghèo ở đây. Nếu không phải là cây Đót thì sẽ rất khó có thu nhập cao và bền vững như vậy. Bởi thực tế cho thấy, nếu trồng cây Keo ở bản Khe Cát thì mô hình nào tốt, gần đường cũng chỉ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ha, nếu không chỉ được 5-6 triệu/ha sau 5 năm trồng. Do đó sau đợt tổng kết này, tôi sẽ chia sẻ về mô hình cây Đót bản Khe Cát cho các bà con trong huyện, những người có mong muốn làm giàu từ rừng. Mô hình thật có ý nghĩa vì vừa cho thu nhập cao, vừa giữ được rừng mà lại gần gũi với bà con nơi đây".

              Kết thúc lễ tổng kết, bà Hồ Thị Con – Phó Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn, thành viên Mạng lưới Đất rừng chia sẻ: với trách nhiệm của mình chị sẽ tiếp tục thúc đẩy nhân rộng về quy mô trồng ngay trong 10 mô hình trồng Đót của chị em phụ nữ bản Khe Cát với diện tích tăng thêm khoảng 5ha theo hướng tự mở rộng, và các thành viên nòng cốt có trách nhiệm chia sẻ kỹ thuật khi thực hiện. Như vậy, nếu lựa chọn đúng loài cây, đúng thế mạnh của vùng, được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ, người dân đồng tình và đặc biệt là phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm của các chị em, thì chắc chắn các mô hình sinh kế cho phụ nữ gắn với bảo vệ rừng sẽ thành công. Mô hình trồng Đót bản Khe Cát - xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã minh chứng cho điều đó.


    Mười chị em phụ nữ người Vân Kiều bản Khe Cát tham gia dự án


    Bà Hồ Thị Hồng, dân tộc Vân Kiều đang thu hoạch Đót


    Bà Hồ Thị Hồng chia sẻ trong lễ tổng kết mô hình trồng Đót


    Hoạt động bán Đót tại bản Khe Cát


    Bà Hồ Thị Thi, dân tộc Vân Kiều bản Khe Cát thu hoạt Đót


    Ông Trần Văn Trung - Phó trạm trưởng trạm khuyến nông huyện Quảng Ninh phát biểu
     

Bài viết khác