Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Bảo vệ, quản lý rừng và đất rừng - Cơ hội cho cộng đồng dân tộc thiểu số

  • Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện (2016-2018), hơn 2.400ha đất rừng được giao quyền bảo vệ gắn với bảo vệ nguồn nước và tín ngưỡng cho 22 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

    Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng cộng đồng tại thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông)
    Bên cạnh đó, Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hoá Cộng đồng Đông Nam Á (Trung tâm Cirum), Viên Tư vấn và phát triển (Code) phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều cuộc hội thảo, đối thoại từ cấp cấp tỉnh, huyện, xã và cộng đồng thôn (làng) đã mang lại những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy để các quyền của cộng đồng trong sở hữu và quản lý đất rừng được đưa vào Luật Lâm nghiệp 2017. Đồng thời hỗ trợ  các cộng đồng tộc thiểu số Xê Đăng, Rơ Ngao trên địa bàn tỉnh cải thiện thu nhập thông qua việc phát triển các mô hình sinh kế gắn với phát triển rừng theo hướng bền vững góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Trong quá trình này, dự án chú trọng phát huy tiếng nói và đóng góp của người phụ nữ dân tộc thiểu số, từ đó gia tăng sự tự tin và vai trò của họ trong gia đình và cộng đồng.
    “Phần lớn các cộng đồng dân tộc thiểu số sống dựa hoàn toàn vào rừng. Vì thế chỉ khi có thể tự quản lý, bảo vệ và khai thác rừng bền vững thì bà con mới có thể cải thiện cuộc sống của mình” bà Trần Thị Hòa, giám đốc Trung tâm CIRUM cho biết.
    Ông Phạm Xuân Quang, xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của dự án, xã Tu Mơ Rông đã được giao giấy chứng nhận sở hữu hơn 500 héc-ta đất rừng cộng đồng. Bên cạnh đó, bà con cũng được tham gia nhiều hội thảo, gặp các cán bộ trung ương, đại biểu Quốc hội nhiều lần để nói đến vấn đề đất rừng của cộng đồng”. 
    Theo ông Lê Văn Hùng - Phó chủ tịch Liên hiệp hội Kon Tum cho biết: “Tất cả các dân tộc Tây Nguyên đời sống đều gắn với rừng, gắn sinh kế, văn hóa của mình với rừng, nhưng mỗi dân tộc có sinh hoạt riêng. Không có rừng thì không có văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa”.
    Đến nay, cộng đồng làng ở các xã Hơ Moong  (huyện Sa Thầy), ở xã Pờ Ê, Đăk Nên, Đăk Ring (huyện Kon Plông), xã Đăk Hà, Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông), xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) đã và đang triển khai có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng, đồng thời phát triển các mô hình cây dược liệu dưới tán rừng (trồng sâm ngọc linh, đương qui, sâm dây, sa nhân tím) tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
    Hiệu quả của công tác bảo vệ rừng cộng đồng khẳng định vai trò của phát huy văn hóa truyền thống gắn với rừng (Luật tục) của các dân tộc. Cộng đồng các thôn (làng) đã vận dụng phát huy luật tục và lồng ghép với luật pháp trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
    Chủ tịch Liên hiệp hội Đỗ Ngọc Thọ cho biết, trong thời gian tới Liên hiệp hội Kon Tum sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Cirum, UBND các huyện: Sa Thầy, KonPlong, Tu Mơ Rông, Đăk Hà để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phục hồi rừng, giữ nguồn nước sinh hoạt, gắn với phát triển sinh kế, tập quán văn hóa truyền thống và du lịch sinh thái… cho cộng đồng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số ở xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
    Bài, ảnh: Trần Quang Mạnh

Bài viết khác