Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Cần xây dựng Nghị định mới quy định về việc khoán bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng đất và mặt nước nuôi trồng thủy sản

  • Sáng ngày 21/12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 tại thành phố Hà Nội. Tham dự hội nghị có các đại biểu của các cơ quan Trung ương, văn phòng Chính phủ, các Bộ, các cơ quan địa phương của 20 tỉnh, đại diện các doanh nghiệp và đại diện một số tổ chức khoa học công nghệ. Đại diện liên minh tổ chức KHCN về quyền sinh kế (LISO) có đại diện của Trung tâm CIRUM và đại diện mạng lưới đất rừng.



    Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khai mạc Hội nghị

    Chính sách và thực tiễn về khoán trong các tổ chức nhà nước về nông lâm nghiệp là một trong những vấn đề đã được đưa vào kế hoạch nghiên cứu đánh giá chương trình giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp tại Tọa đàm khởi động do Tổng cục lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT và Trung tâm CIRUM (đại diện cho liên minh tổ chức khoa hoch công nghệ gồm Trung tâm CIRUM, Viện CODE, Viện SPERI) phối hợp tổ chức ngày 8/5/2014 tại Hà Nội theo Chương trình hợp tác giữa hai bên. Tại Tọa đàm ngày 8/5/2014, đại diện Mạng lưới đất rừng ở các địa phương đã góp phần chia sẻ, phản ánh nhiều bức xúc thực tiễn làm cơ sở để chuẩn bị kế hoạch nghiên cứu, đánh giá phục vụ cho Hội nghị này.



    Ông Lê Kiên Cường, đại diện Mạng lưới đất rừng Lạng Sơn...



    ...và ông Trần Quốc Việt, đại diện Mạng lưới đất rừng Hà Tĩnh phát biểu tại Tọa đàm khởi động do Tổng cục lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT và Trung tâm CIRUM phối hợp tổ chức ngày 8/5/2014 
     
    Theo Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện công tác giao khoán theo Nghị định số 01/CP và 135/2005/ NĐ-CP, công tác giao khoán đã đạt được những thành công nhất định, với tổng diện tích giao khoán 805,128 ha, trong đó phần lớn được giao cho hộ gia đình và cá nhân (chiếm tới 81.9% tổng diện tích được giao khoán). Công tác giao khoán đã tạo nên những chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp khi thu hút được các nguồn lực của toàn xã hội tham gia, giúp hình thành mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp, góp phần tạo nguồn thu, tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương, và giúp hình thành vùng nguyên liệu tập trung (ví dụ vùng Đông Bắc kinh doanh gỗ trụ mỏ, dăm gỗ xuất khẩu, thì các tỉnh Bắc Trung Bộ kinh doanh gỗ nguyên liệu giấy, ván nhân tạo,…). Tuy nhiên, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, công tác giao khoán vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế, mà nguyên nhân chính là do công tác quản lý, quy hoạch còn nhiều yếu kém, quá trình tổ chức thực hiện Nghị định chưa hiệu quả, công tác tuyên truyền và nhận thức của một bộ phận cán bộ cấp ngành, nhất là cán bộ các công ty lâm nghiệp còn hạn chế, và đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật ban hành liên quan còn nhiều bất cập, thiếu thống nhất và chưa cụ thể, cá biệt còn có sự mâu thuẫn giữa các quy định trong cùng đối tượng quản lý. 
     


    Ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện công tác giao khoán theo Nghị định số 01/CP và 135/2005/ NĐ-CP
     
    Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng chính phủ xây dựng Nghị định mới thay thế cho 2 Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005. Nghị định mới này cần khắc phục những vướng mắc, chủ yếu xoay quanh các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng để khoán, đối tượng được nhận khoán, nội hình thức, nội dung và thời hạn khoán, cũng như cơ chế và chính sách hưởng lợi. Trong hợp đồng khoán, trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên tham gia cũng cần được quy định rõ ràng.

    Hội nghị cũng lắng nghe các báo cáo tham luận kết quả thực hiện Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của các Sở NN&PTNT các tỉnh, Chi cục kiểm lâm và công ty lâm nghiệp. Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, nhận định “Trong báo cáo mới có kết quả giao khoán, còn hiệu quả như nào, thực trạng ra sao thì vẫn còn rất phức tạp”.

    Bài tham luận của Trung tâm CIRUM  “Một số vấn đề về chính sách và thực tiễn trong công tác khoán đất lâm nghiệp và bảo vệ rừng”, đã đưa ra một số đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác giao khoán và huy động nguồn lực của cộng đồng dân cư địa phương nâng cao hiệu quả kinh doanh nghề rừng và quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Theo báo cáo  của CIRUM, việc rà soát đất đai của các tổ chức nhà nước theo điều 133 – Luật Đất đai 2013 cần thu hồi diện tích nằm trong ranh giới truyền thống của các cộng đông thôn làng trước đây (nếu không nằm trong khu vực chiến lược quốc gia mà nhà nước phải quản lý) và giao lại cho cộng đồng dân cư địa phương quản lý sử dụng. Đối với một số diện tích trong ranh giới truyền thống của các cộng đồng thôn làng nhưng nằm trong diện tích chiến lược quốc gia mà nhà nước cần thiết phải quản lý, thì chuyển sang cơ chế đồng quản lý hoặc khoán cho người dân địa phương. Mặt khác chính sách khoán cần tách biệt rõ giữa như cầu sử dụng lao động của công ty lâm nghiệp trong sản xuất kinh doanh và mục tiêu hỗ trợ xã hội gắn với giảm nghèo ở địa phương. Đối với mục tiêu hỗ trợ xã hội gắn với giảm nghèo chỉ khoán ở những khu vực rừng và đất rừng nhà nước cần quản lý vì chiến lược quốc gia (Các ban quản lý rừng, công ty 100% nhà nước sau rà soát) không thể giao cho người dân.

    Bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 cần được làm chi tiết và hoàn thiện hơn, đặc biệt là tác động của nó đối với việc phát triển kinh tế xã hội và đời sống, và nghiên cứu kỹ hơn các tài liệu đánh giá của Trung ương, từ đó tìm ra nguyên nhân cho những tồn tại vướng mắc. Mặc dù nội dung chi tiết cho Nghị định mới chưa được khẳng định, nhưng các đại biểu cũng đã rất rõ ràng về các quan điểm đổi mới Nghị định phải phù hợp với pháp luật, và cần nghiên cứu thêm về quan điểm liệu có nên khoán theo tinh thần quan hệ dân sự, tự nguyên hai bên cùng có trách nhiệm hay không, và các chính sách cho lâm nghiệp cần được phân biệt cho các loại rừng khác nhau cũng như phạm vi đối tượng điều chỉnh. 
    (CIRUM)

Bài viết khác