Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

CIRUM/LISO nhận được sự đồng thuận trong giải pháp về vấn đề chồng chéo, chồng lấn quyền quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Sáng ngày 30/10/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai phối hợp với Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và Phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (Trung tâm CIRUM) đã tổ chức tọa đàm về thực trạng và giải pháp tình trạng chồng chéo, chồng lấn quyền quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tham dự tọa đàm có các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương; một số sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai; đại diện UBND, phòng, ban chuyên môn các huyện và đại diện tổ chức CIRUM/liên minh LISO. Tọa đàm được tổ chức như diễn đàn mở nhằm khuyến khích tất cả các bên liên quan, các đại biểu đưa ra ý kiến phản ánh thực trạng, đề xuất giải pháp và cùng nhau thảo luận.

     

    Toàn cảnh buổi tọa đàm

    Theo thống kê của ngành tài nguyên và môi trường, tính đến ngày 31/12/2009, tỉnh Lào Cai đã tổ chức giao, cho thuê trên 347 nghìn ha đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất trên 184 nghìn ha. Việc giao đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân mặc dù đã mang lại hiệu quả, góp phần phục hồi tài nguyên rừng, nâng cao độ che phủ và hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều tồn tại, do công tác giao đất giao rừng chưa theo đúng quy hoạch, chưa xem xét thấu đáo đến nhu cầu của chủ hộ gia đình và dân địa phương, các cán bộ thực thi chưa thực hiện hết trách nhiệm, quản lý hồ sơ đất đai và thông tin về chủ sở hữu đất chưa chặt chẽ gây nên tình trạng chồng chéo quyền quản lý rừng và đất lâm nghiệp…

    Dựa trên những kết quả từ Toạ đàm Tham vấn các bên về giải pháp giải quyết tình trạng chồng chéo, chồng lấn quyền quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Si Ma Cai tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Sự, Phó Giám đốc Trung tâm CIRUM đưa ra các giải pháp giúp giải quyết vấn đề chồng chéo hiện nay. Đầu tiên, việc tái rà soát triệt để 3 loại rừng là điều bất khả kháng. Đối với những diện tích chồng lấn mà các hộ đang sử dụng ổn định lâu dài, nếu cần thiết phải tạo ra một vùng liền khoảnh đủ lớn thuận lợi cho bảo vệ cần thiết phải có ý kiến đồng thuận của cộng đồng thì giao cho ban quản lý  rừng phòng hộ(BQL RPH). Ngoài ra, với những vùng rừng xung yếu, không nhất thiết phải có trên 5.000 ha mới có BQL rừng phòng hộ mà quy mô có thể nhỏ hơn, đồng thời có thể thiết lập BQL liên huyện để đảm bảo quy mô và dễ dàng hơn trong quản lý. Một phương án khác là giao tất cả cho dân quản lý, BQL trở thành đơn vị hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật cho dân phát triển rừng.

     

    Ông Nguyễn Văn Sự, Phó Giám đốc trung tâm CIRUM trình bày các giải pháp giúp giải quyết các vấn đề chồng chéo hiện nay

    Buổi tọa đàm đã lắng nghe trên 10 ý kiến từ địa phương và 5 ý kiến cấp Trung ương, đa phần các đều đồng tình với những kiến nghị trên. Đại diện các xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát), xã Bản Mế (thuộc huyện Si Ma Cai) đã đóng góp ý kiến về việc phát huy quyền và nghĩa vụ của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng thông qua việc giao phần đất rừng manh mún, không xung yếu lại cho dân, sẽ thuận tiện hơn cho quản lý và đáp ứng được nguyện vọng của dân. Ông Lù Văn Que, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, khẳng định cần phải “lấy dân làm gốc, giúp dân được bàn, làm, quyết định, giám sát, kiểm tra”. Việc kiểm kê đất và rừng phải gắn liền với nhau, đồng thời đẩy mạnh việc giao đất giao rừng cho các hộ và cộng đồng.

     

    Bà Bùi Thị Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế, Si Ma Cai, trình bày kiến nghị giao rừng manh mún cho dân

     

    Ông Lù Văn Que, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng của việc lấy dân làm gốc

    Bế mạc tọa đàm, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai đề nghị các đơn vị cấp địa phương cần chủ động tiến hành kiểm kê đất và rừng, các huyện phải thực hiện đúng các chế tài quản lý đất, rừng. Việc rà soát xác định diện tích rừng, đất rừng giao chồng chéo, diện tích xâm lấn, tranh chấp để đề xuất điều chỉnh phương án sử dụng đất, giao đất cho phù hợp là bước đi quan trọng chuẩn bị cơ sở cho việc thực thi các chính sách sách bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt là để triển khai Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về Cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020. 
    CIRUM

Bài viết khác