Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Giao đất giao rừng cho dân - Lợi đôi bên

  • (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước giao đất, giao rừng cho dân quản lý đôi bên sẽ cùng được hưởng lợi vì dân có thêm nguồn thu nhập từ các sản phẩm gỗ thì nhà nước cũng được hưởng lợi.

    Tốt nhất giao cho dân
    Theo quy định của pháp luật hiện hành, giao đất, giao rừng là một trong những hình thức cơ bản nhà nước thực hiện trao quyền sử dụng đất và rừng cho các đối tượng trong xã hội và hình thành hệ thống các chủ rừng, trong đó có gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.
    TS Phạm Xuân Phương, Viện Quản lý Rừng Bền vững, cho biết mặc dù đã có chủ trương của nhà nước nhưng một số tỉnh gặp khó khăn trong việc giao đất, giao rừng cho dân, đặc biệt các tỉnh phía Nam giao đất, giao rừng cho dân rất ít.
    Ông Phương kiến nghị “tốt nhất nên giao đất, giao rừng cho dân quản lý vì nhận thấy cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng.”
     
    Tuy nhiên, “Có một thực tế là rừng nghèo được giao cho cộng đồng còn rừng tốt thì nhà nước giữ lại”, TS Phạm Xuân Phương, từng công tác ở Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, thừa nhận, “Chưa nói rừng được giao cho cộng đồng nhưng không được hỗ trợ đầu tư nên không thể phát triển được.”
     
    Theo ông Phương, hiện nay những nơi rừng được giao cho cộng đồng phát triển được chủ yếu dựa vào các dự án do quốc tế tài trợ, khi đó mới có kinh phí để triển khai quản lý và bảo vệ rừng.
     
    Tuy vậy, TS Phương kiến nghị “Tốt nhất vẫn nên giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý. Nếu nơi nào quản lý không tốt sẽ thu lại.”
     
    Chủ trương của nhà nước là vẫn sẽ tiếp tục giao đất giao rừng cho cộng đồng, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng. Chắc đây sẽ là một xu hướng. Nâng cao năng lực có lẽ là hướng đi cho cộng đồng.
     
    Tuy nhiên để khuyến khích sự tham gia của dân, TS Phương, nhà nước cần trao quyền sử dụng đất và ổn định lâu dài cho dân; cần có những chính sách hỗ trợ ban đầu cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn sau khi được giao đất, giao rừng.
     
    Ngoài ra, nhà nước cần ban hành chính sách khai thác lâm sản và hưởng lợi từ rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo hướng tạo thuận lợi cho dân được hưởng lợi từ rừng nhiều hơn, trong đó có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, v.v…
     
    Lợi cả đôi bên
     
    ThS Bùi Phước Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu&Tư vấn Quản lý Tài nguyên, cho rằng cộng đồng tham gia bảo vệ phát triển rừng sẽ giảm tải cho kiểm lâm trong khi dân được hưởng lợi từ các sản phẩm từ rừng.
     
    “Bởi vậy việc giao rừng cho dân là có lợi cho nhà nước”, ThS Bùi Phước Chương thẳng thắn, “Đối với rừng gần khu dân cư thì nên giao cho dân, gia đình quản lý.”
     
    Từ thực tiễn ấy, dự án “cải thiện sinh kế thông qua xây dựng hệ thống sử dụng đất bền vững ở xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế” do Trung tâm Nghiên cứu&Tư vấn Quản lý Tài nguyên điều phối đã giúp dân có thêm thu nhập, tăng cường sức sản xuất cho các nguồn tài nguyên đất, nước, và rừng.
     
    Tính đến tháng 7/2010, dự án đã giao gần 800ha cho chín nhóm và 22 hộ quản lý rừng, đã khôi phục và trồng mới 10ha mây dưới tán rừng tự nhiên, với 8.200 bụi mây, khoảng 1.500 bụi đến thời kỳ khai thác, v.v…
     
    Dự án còn hỗ trợ xây dựng một vườn ươm cộng đồng với diện tích 500m2 cung cấp 1.700 cây bản địa (làm giàu khoảng 6.5ha rừng tự nhiên); tổ chức bảy khóa tập huấn về các kỹ thuật lâm sinh, kỹ thuật trồng và phục hồi rừng, phòng cháy chứa cháy, v.v…
     
    Ngoài ra một dự án khác là “Nâng cao năng lực quản lý rừng giao cho cộng đồng ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế” cũng xây dựng được hai vườn ươm các loài cây bản địa giúp phục hồi diện tích rừng được giao; liệt kê hơn 60 loài và nhóm loài động vật hoang dã, hơn 80 loài cây thuốc, 56 loài lâm sản ngoài gỗ.
     
    Ông Lê Hồng Hải, chuyên gia quản lý rừng cộng đồng, văn phòng tư vấn dự án KfW6, Quy Nhơn – Bình Định, chia sẻ từ tháng 4/2006 đến tháng 2/2011, dự án KfW6 thực hiện trên sáu mô hình, hai ở tỉnh Quảng Ngãi và bốn ở Bình Định với tổng diện tích 3.585,1 ha.
     
    Dự án được ví như “con nhà giàu” do phía Đức tài trợ đã hỗ trợ 100.000 đồng/ha cho việc bảo vệ rừng, chưa kể tiền chi phí cho các buổi tập huấn, đào tạo, mua trang thiết bị như cưa máy, thành lập đội khai thác gỗ chuyên nghiệp, v.v...
     
    “Đây là một giải pháp đột phá nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân cư­ vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, từng bước đưa người dân làm nghề rừng, phát triển ngành nghề lâm nghiệp từ nguồn vốn được tạo ra từ công tác quản lý rừng bền vững.”, ông Hải nói.
     
    Có ý kiến thắc mắc rằng sau khi dự án rút khỏi, lấy tiền ở đâu để duy trì hoạt động, ông Hải giải thích, tỉnh phải có cam kết lấp lỗ hổng tài chính này. Sau khi lỗ hổng tài chính được lấp, hàng năm dân sẽ được hưởng lợi từ rừng, lúc đó sẽ không phải lo nữa. Vì sau 5 đến 10 năm, rừng sẽ cho cây thu hoạch, sẽ tăng tối đa nguồn thu.
     
    Vi phạm giảm hẳn
     
    Có nơi rừng giao cho cộng đồng, họ khai thác không thể phục hồi được, có tỉnh đã phải thu rừng lại giao cho doanh nghiệp quản lý vì cộng đồng không quản lý được.
     
    TS Phương thừa nhận mắc dù vẫn có tình trạng rừng được giao cho cộng đồng vẫn bị khai thác nhưng nhìn chung cộng đồng làm rất tốt việc bảo vệ rừng vì thực ra nó cũng gắn liền với lợi ích thu được từ rừng của họ.
     
    “Việc đưa rừng vào cộng đồng bảo vệ rất hiệu quả, thể hiện qua số vụ vi phạm giảm hẳn từ 40 vụ năm 2006, 26 vụ (2007), 20 vụ (2008), 17 vụ (2009) 5 vụ (2010) và tám tháng đầu năm 2011 chỉ còn một vụ vi phạm”, ông Hải đưa ra dẫn chứng.
     
    TS Nguyễn Văn Đúng, chuyên viên cao cấp, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, cho biết khi chưa giao đất, giao rừng cho dân, mỗi năm vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) mỗi năm xảy ra hàng chục vụ cháy rừng nhưng khi cộng đồng được giao đất, giao rừng cháy rừng giảm hẳn, nạn săn bắt cá cũng giảm.
     
    Các chuyên gia lâm nghiệp, giảng viên, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ rừng tại khóa tập huấn “Lâm nghiệp cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững tổ chức hai ngày 22 và 23/8 tại Hà Nội. 
     
    Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, tính đến 31/12/2009, trong 13,258 triệu ha đất lâm nghiệp có rừng trên phạm vi toàn quốc, hộ gia đình, cá nhân đang quản lý khoảng 3,287 triệu ha đất có rừng, chiếm 24,8% diện tích đất lâm nghiệm có rừng.
     
    Theo Phạm Mạnh


     

Bài viết khác