Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Hiệu quả bước đầu mô hình tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, Bát Xát

  • Với mong muốn quảng bá bài thuốc bí truyền của dân tộc, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm CIRUM và sự ủng hộ của chính quyền xã Phìn Ngan, mô hình ngâm tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra tín hiệu vui cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại xã vùng cao Phìn Ngan.
     
    Mô hình tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần
     
    Mô hình tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, Bát Xát được hỗ trợ từ Trung tâm CIRUM và sự ủng hộ của chính quyền xã Phìn Ngan, từ cuối năm 2017. Sau 2 năm xây dựng trên diện tích 300 m2 tại ngay khu vực trung tâm thôn với tổng kinh phí 440 triệu đồng, ngày 5 tháng 1 năm 2019, mô hình này đã đi vào hoạt động với quy mô 4 phòng, 6 thùng tắm và phòng nghỉ được bố trí dành cho những khách có nhu cầu nghỉ dưỡng tại đây và tham gia các hoạt động cộng đồng với bà con trong thôn.
     
    Du khách tham quan, trải nghiệm tại mô hình tắm thuốc nam
     
    Mô hình này do cộng đồng thôn Sải Duần quản lý tổ chức và thực hiện theo kiến thức, kinh nghiệm bản địa. Sau khi đưa vào vận hành, thôn đã thành lập một nhóm vận hành và nhóm quản lý gồm 12 người. Nhóm quản lý do bà Chảo Cói Mẩy làm trưởng nhóm sẽ chịu trách nhiệm quản lý chung về các hoạt động, còn nhóm vận hành sẽ thực hiện các công đoạn từ xử lý thuốc, pha thuốc và hướng dẫn cho khách khi vào ngâm tắm. Đây là nỗ lực rất lớn của chị em phụ nữ trong thôn để phát triển tiềm năng sử dụng thuốc nam của người Dao đỏ ở thôn Sải Duần; tạo công ăn việc làm cho chị em.
     
    Từ lúc lọt lòng, cuộc sống của đồng bào Dao thôn Sải Duẩn xã Phìn Ngan đã gắn bó với cánh rừng. Rừng là nhà, rừng cho họ kế sinh nhai, cái ăn, cái mặc và đặc biệt, cho họ một món quà quý giá: những lá thuốc nam. Bà Chảo Cói Mẩy – trưởng nhóm quản lý chia sẻ: Thuốc tắm của người Dao được pha chế từ 25-30 vị thuốc nằm rải rác khắp các khe núi, không phải là người nào cũng biết. Bài thuốc ngâm tắm của người Dao đỏ có được là do sự kết hợp của các loại thảo dược tốt cho da: Kim ngân, lá khế, thìa là, lá vối, long não, hoàng bá nam, các loại thảo dược tốt cho xương khớp: Thanh táo, thổ lục linh, thiên niên kiện, đào rừng, bách quản, tam huyết, tân quy, lá lốt và các loại thảo dược có tác dụng đối với đường tiêu hóa: Sa nhân, sả, hồi, quế, thủy xương bồ, màng tang, mạn khâu tử. 
     
    Đun nấu lá thuốc tắm thủ công theo truyền thống của người Dao đỏ
     
    Trước những năm 90, đường giao thông đi lại khó khăn, chẳng ai biết bệnh viện thế nào. Những bệnh cảm mạo, đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, người ốm cần phục hồi sức khỏe, đều nhờ cả vào thứ dược liệu quý giá lấy từ rừng già. Đặc biệt, phụ nữ Dao sinh nở, ai cũng dùng lá thuốc tắm. Bằng 3-7 nồi thuốc, có khi sau sinh chỉ 3 ngày đã có thể lên nương, lên rừng. Trẻ con được tắm rửa nước lá định kỳ sẽ loại bỏ các bệnh mụn nhọt và các bệnh ngoài da làm cho da dẻ trẻ con mịn màng, hồng hào. Thuốc tắm của người Dao đỏ không chỉ đơn thuần là một phương pháp chăm sóc sức khỏe của người dân tộc, mà còn là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa của người Dao.
     
    Bà Chảo Cói Mẩy cùng các thành viên lên vườn hái lá thuốc
     
    Sau 5 tháng đưa mô hình đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả, doanh thu từ dịch vụ này 40-50 triệu đồng. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho bà con dân tộc trong thôn Sải Duần, thông qua mô hình này còn giới thiệu nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao Phìn Ngan nói riêng, huyện bát Xát nói chung tới du khách trong và ngoài tỉnh. Du khách đến đây không chỉ được ngâm tắm lá thuốc người Dao Đỏ mà còn có cơ hội trải tầm mắt với thảm Sa nhân tím dưới tán rừng ở thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, được tham gia trải nghiệm lao động sản xuất cùng ăn, cùng làm với bà con trong thôn. 
     
    Sự ra đời của mô hình tắm lá thuốc người Dao gắn với du lịch cộng đồng là một sự khởi đầu rất thuyết phục và đầy ấn tượng cho nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương về định hướng phát triển các dịch vụ có thu nhập gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên, dần hình thành, đưa những bài thuốc nam trở thành sản phẩm hàng hóa, vừa bảo tồn, vừa phát triển đời sống văn hóa, kinh tế của đồng bào rẻo cao Sải Duần nói riêng và trên địa bàn xã Phìn Ngan nói chung.
     
    Lưu Liên – A Pìn
    Trung tâm Văn hóa, TT-TT Bát Xát

Bài viết khác