Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Lễ cúng rừng Nào Lồng truyền thống của người H’Mông tại Si Ma Cai, Lào Cai

  • Hàng năm, cứ đến ngày Thìn tháng 6 âm lịch cộng đồng 2 thôn Sản Sín Pao và Sản Chúng, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai lại tổ chức Lễ cúng rừng Nào Lồng (rừng thiêng) của 2 thôn.
      Bà con tham gia lễ cúng rừng
     
    Cũng như mọi năm, năm nay hai thôn tổ chức lễ cúng rừng Nào Lồng vào ngày thìn (6/6 âm lịch) tức ngày 8/7/2019. Để làm tốt các công tác chuẩn bị hai thôn đã cử ra người đại diện để thông báo và tổ chức Lễ cúng rừng. Thường những thành viên này là trưởng thôn, bí thư thôn, già làng và nhưng người có uy tín. Họ làm đại diện cộng đồng hai thôn thông báo, liên hệ và mời khách tham gia (đại diện UBND xã, đại diện trường học….) cũng như tham gia trực tiếp vào các hoạt động chính của Lễ hội. Theo lịch thống nhất các thành viên này phải đến khu rừng thiêng trước 1 ngày để phát dọn đường đi, tu bổ lại ban thờ, bếp đun, quét dọn khu làm lễ và chuẩn bị củi đun cho Lễ cúng vào ngày mai…
    Ngoài việc chuẩn bị các lễ vật để sử dụng trong lễ cúng rừng như Lợn, Gà, giấy bạc, rượu, hương, nến…một việc không thể thiếu là đi mời Thầy cúng uy tín nhất trong 2 làng để đại diện cho người dân chủ trì Lễ cúng rừng. Người đi mời thầy cho lễ cúng rừng Nào Lồng là hai ông chủ bếp được người dân tin tưởng bầu ra. Theo quan niệm từ trước tới nay, người dân thường mời các thầy cúng nhiều tuổi (ngoài 50), hiểu biết về luật tục, bài cúng và có tiếng nói trong thôn.
    Đúng 6h sáng đã có nhiều thanh niên, người trung tuổi ở hai thôn tham gia hỗ trợ lễ cúng rừng. Như đã phân công từ trước mỗi người một nhiệm vụ để chuẩn bị tốt nhất cho Lễ hội. Thầy Cúng sắp xếp ban thờ và chuẩn bị các nghi lễ cúng rừng; các thanh niên thì chuẩn bị các lễ vật (lợn, gà…) cũng như công tác hậu cần. Lễ cúng rừng Lào Nồng được chia làm 2 giai đoạn “cúng Sống và cúng Chín”.
    Cúng sống là cúng gà và lợn đang sống chưa làm thịt. Theo thầy cúng Giàng Seo Vẩu, thì đó giống như là trình lễ vật trước cho thần rừng, thầy cúng sẽ đại diện cho cả thôn báo cáo với thần rừng để thần rừng nhận lễ. Để thần rừng nhận được lễ là gà thì sau khi thầy cúng xong và cắt tiết gà, thầy cúng sẽ dùng đôi đũa chấm vào bát tiết, rồi lần lượt chấm lên các tờ giấy bạc trên bàn thờ. Tiếp đó, sẽ nhổ phần lông cổ của con gà chấm vào tiết và dán vào gốc cây đặt bàn thờ. Việc chấm tiết gà lên giấy bạc và dán túm lông gà lên thân cây to như là việc thần rừng đã được giao lễ tận tay và nhận lễ.
    Đối với con lợn, thì sẽ dùng một dây chỉ dài, buộc vào đầu con lợn và nối với bàn thờ. Theo quan niệm, do con lợn to không bê lên bàn thờ được nên sợi dây chỉ là phần kết nối giữa lễ vật và thần rừng. Sau khi thầy cúng báo cáo với thần rừng xong thì 4 thanh niên khoẻ mạnh tiến hành cắt tiết lợn để chuẩn bị lễ. Tiết lợn cũng được thầy cúng dùng đũa chấm vào các tờ giấy bạc trên bàn thờ để giao lễ cho thần rừng.

     Thầy cúng Giàng Seo Vẩu đang thực hiện lễ cúng rừng
     
    Với lễ cúng Sống và cúng Chín gồm cúng gà và cúng lợn, nghi lễ được diễn ra với từng con vật một và mỗi một lần sẽ là các bài cúng khác nhau. Các bài cúng này đều hướng tới cầu bình an cho dân làng, mưa thuận gió hòa, vật nuôi không bị bệnh, mùa màng tốt tươi, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
    Sau khi diễn ra hai lễ cúng thì cũng là lúc dân làng của hai thôn đến đông đủ. Trừ những hộ đi vắng (lao động xa hoặc bị ốm) còn lại gia đình nào cũng có người đại diện để tham gia. Năm nay, ngoài các khách mời thì cũng có đại diện của gần 200 hộ của 2 thôn tham gia lễ cúng rừng. Lúc này, trưởng thôn của hai thôn sẽ giới thiệu khách, công khai tài chính tổ chức cho lễ cúng rừng và công bố những người vi phạm luật tục và tiền phạt trong năm qua. Tiếp đó, trưởng thôn sẽ đọc lại hương ước và những điều quy định trong hương ước của hai thôn để mọi người cùng biết để thực hiện (quy định về xử phạt vi phạm như chặt cây rừng, ăn trộm, trai gái, văn hóa ứng xử…). Cuối cùng là thảo luận những vấn đề kiêng kị không được làm trong 3 ngày sau lễ cúng rừng năm 2019. Ông Giàng Seo Vẩu – Thầy cúng chia sẻ “Theo quy ước cúng rừng từ bao đời nay sau khi kết thúc ngày lễ cúng rừng 3 ngày sau người dân trong bản sẽ không được cày, cấy, không được chặt cây, bổ củi, lấy rau rừng, hay các hoạt động gây ra tiếng ồn…Nếu ai vi phạm sẽ phạt theo hương ước của thôn bản. Mục đích cấm các hoạt động trên có ý nghĩa để muôn loài được hồi sinh, con người được thư giãn nghỉ ngơi sau nhiều tháng lao động vất vả…”.
    Thực sự lễ cúng rừng Nào Lồng là hoạt động “Văn hóa – Tâm linh – Tinh thần” rất có ý nghĩa với cộng đồng người dân 2 thôn Sản Chúng và Sản Sín Pao. Lễ cúng rừng không chỉ giúp duy trì các mối quan hệ tốt đẹp giữa người dân với người dân mà còn giúp duy trì được không gian văn hóa - không gian sinh tồn mang đầy ý nghĩa bản sắc của dân tộc H’Mông nơi vùng cao Tây Bắc. Ông Cư Seo Chúng – Phó chủ tịch UBND xã Sín Chéng chia sẻ “Lễ cúng rừng Nào Lồng – Cúng rằm hàng năm là nét đẹp văn hóa quan trọng từ bao đời nay của người H’Mông nơi đây. Lễ cúng góp phần ổn định đời sống cũng như duy trì các giá trị văn hóa truyền thống trong quản lý tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên rừng) cũng như văn hóa ứng xử hàng ngà
    y.”
     Khu rừng cúng của thôn Sản Chúng và Sản Sín Pao của xã Sín Chéng
     
    Khu rừng cúng của thôn Sản Chúng và thôn Sản Sín Pao có từ 7 thế kỉ nay, khu rừng rộng gần 1ha được quản lý và bảo vệ rất tốt. Rừng được bao phủ một màu xanh bao la với nhiều cây gỗ lớn như Nghiến, Trám, Nhội, Dâu da rừng, Tre... Cây rừng ở đây được tái sinh tự nhiên và gần như không bị tác động bởi con người. Đây cũng là điều khá ngạc nhiên với nhiều người khi lần đầu đặt chân vào khu rừng, nhưng với cộng đồng người H’Mông của 2 thôn thì không có gì là lạ. Nếu không có nhiệm vụ gì thì gần như không ai vào đây cả; củi cũng không dám vào nhặt chứ đừng nói đến việc chặt cây gỗ tươi. Theo hương ước của 2 thôn, nếu ai vi phạm vào rừng nhặt củi hoặc chặt cây xanh thì cứ phạt theo hương ước chung đã thống nhất, cứ 1kg củi/cây gỗ phạt tương đương với 1kg Gà. Hiện nay, với giá thị trường thì 1kg gà có giá 130.000 đồng/kg cộng với những điều không may khi xâm hại rừng thiêng, nên không ai dám vào lấy củi hay chặt phá cây rừng. Từ bao đời nay, rừng vẫn thiêng, dân vẫn giữ được nếp kiêng kỵ và bảo vệ rừng tốt tươi là vậy.

Bài viết khác