Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Mạng lưới đất rừng họp tổng kết cuối năm

  • Không com-plê ca-vat, không lời sáo rỗng, Hội nghị tổng kết cuối năm của Mạng lưới đất rừng (LandNet) giống như một cuộc gặp gỡ của anh chị em trong một gia đình hơn là một hội thảo thường thấy. Đại diện bà con dân tộc ít người từ 9 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum đều đến tham dự. Chính họ làm chủ cuộc họp, kể những câu chuyện ở địa phương mình, kinh nghiệm trong việc giữ rừng và phát triển rừng.  

    Miền ngược như quê tôi chưa bao giờ có cháy rừng
    “Trong khi miền xuôi thấy loang lổ cháy rừng. Miền ngược như quê tôi chưa bao giờ có cháy rừng. Vì chúng tôi đã chia sẻ với nhau, ai cũng có trách nhiệm bảo vệ rừng rồi.” Ông Lô Văn Tiến, Cán bộ lâm nghiệp của xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An chia sẻ.
     
    Ông Lô Văn Tiến, Cán bộ lâm nghiệp của xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An
     
    Năm 2018, Luật Lâm nghiệp mới đã công nhận người dân là chủ rừng. Bà con đều thấy mừng ở chỗ luật Lâm nghiệp ghi nhận những góp ý của mình: công nhận phong tục tập quán, luật tục; được bảo đảm kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ. Theo các đại diện từ Lào Cai, khi người dân làm chủ rừng, luật tục được áp dụng, các thôn được trả dịch vụ môi trường rừng san sẻ tiền cho các thôn khác, từ đó giữ được tình đoàn kết giữa các thôn.
     
    Đại diện từ các địa phương hào hứng chia sẻ về câu chuyện tại quê hương mình

    Ông Trần Vi Long, đại diện xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh phấn khởi cho biết: Dân đã đồng tình ủng hộ, bảo vệ rừng cộng đồng, vừa chăm sóc cây, vừa ươm giống trồng xen vào rừng cộng đồng. Ngoài cây tự nhiên còn trồng dặm cây bản địa, được 5ha rồi. Địa phương đang tiếp tục ươm cây để trồng ra hết diện tích còn trống, để phục hồi rừng cộng đồng lâu dài.
     
    Tin vui từ những mô hình sinh kế  

    Tại thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai, từ mô hình trồng cây sa nhân tím, người Dao Đỏ đã phát triển thêm phòng tắm thuốc nam, sử dụng loài cây này cùng các thảo dược bản địa. Đến nay, bốn phòng tắm xông hơi đã hoàn thành và dự kiến đưa vào vận hành vào tháng 1/2019. CIRUM đã hỗ trợ tập huấn vận hành các nhóm dịch vụ tắm xông hơi của địa phương, nhưng người dân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định. “Chúng tôi không làm kiểu hiện đại ở thành phố mà theo đúng truyền thống của người Dao Đỏ” - đó là khẳng định của tổ hợp tác phòng tắm thuốc nam. Cô Chảo Cói Mẩy tự hào giới thiệu về mô hình phòng tắm thuốc nam tại Lào Cai, để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ, đồng thời truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau. Em Sử Mẩy, thành viên của tổ hợp tác phòng tắm thuốc nam nhấn mạnh: mô hình này do phụ nữ đảm nhiệm, để phát huy khả năng khởi nghiệp của chị em phụ nữ.
    Hội nghị tổng kết cuối năm của Mạng lưới đất rừng có sự tham gia của nhiều chị em phụ nữ

    Từ Quảng Bình, mô hình trồng đót đã phát huy được tác dụng, giúp bà con ấm no hơn trong mùa giáp hạt, có tiền ăn tết. Cây được trồng từ tháng 5/2017, tháng 6-7 chăm sóc. Đến cuối tháng 12/2017 được thu hoạch. Mỗi chị em có 1ha, được thu hoạch 16-17 triệu đồng/ha. Năm 2019 có mở thêm diện tích, thêm 3 hộ nữa. Cây Đót vùng này rất phù hợp, chị em bản Khe Cát cũng cố gắng chăm sóc. Các cháu 12-13 tuổi cũng tham gia hái cây Đót được. Bà con Vân Kiều vận dụng được tốt tri thức bản địa, giữ nguyên rừng phía trên và trồng thêm đót ở vùng dưới, ven sông suối. Nếu không biết quản lý thì ai cũng thu hoạch, thu non thì không đảm bảo chất lượng và sản lượng về lâu dài. Nhưng biết tổ chức thì có thể cho thu nhập bền vững.
     
     

    Đại diện từ tỉnh Lạng Sơn chia sẻ mô hình tạo thu nhập bền vững bằng việc chăm sóc, bảo vệ rừng ở huyện Đình Lập, từ đó các hộ xung quanh trồng cây lâm nghiệp bản địa theo mô hình này.

    Xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An có giao đất cho cộng đồng và mô hình trồng cây bon bo, cây lùng. Huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh có mô hình phục hồi rừng gia đình, cộng đồng bằng tập đoàn cây lâm nghiệp bản địa, và xây dựng tổ hợp tác vườn ươm để cung cấp cây giống cho bà con quanh vùng.
    Với mô hình trồng sâm Ngọc Linh tại xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum, bà con đã hợp tác, phân công nhau, mỗi ngày đều có người lên bảo vệ cây Sâm, cách nơi ở đến 3km. Đã có một cái chòi để bảo vệ ở đó.

    Năm 2018 đã qua đi. Hy vọng trong năm tới, khi luật Lâm nghiệp chính thức có hiệu lực, bà con sẽ thực sự phát huy quyền làm chủ đất rừng và những mô hình sinh kế dưới tán rừng ngày càng thêm phong phú, mang lại no ấm cho người dân.

Bài viết khác