Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Những "quy trình" phá hoại núp bóng thuỷ điện

  • Nhà báo Hoàng Hường, báo Vietnamnet

    Trong thời điểm một số tỉnh Miền Trung đang ngập trong lũ lụt do các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi xả lũ và mưa bão, thuỷ điện lại bị đặt trước mũi dùi chỉ trích làm mất rừng, hỏng môi trường và giờ là gây lũ lụt. Tuy nhiên, bản chất vấn đề nằm ở đâu? 

    Chuyên gia lâm nghiệp Phan Đình Nhã, phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển CODE cho rằng về mặt lý thuyết và cam kết, ngoài việc vận hành máy phát điện, các công trình hồ thuỷ điện còn có chức năng dự trữ và điều hoà nước. Việc trữ nước và xả lũ phải theo quy trình khoa học và lộ trình dự báo, cảnh báo và phối hợp chặt chẽ nghiêm ngặt công tác cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cam kết đó đã không được thực hiện chính xác, đầy đủ nên xảy ra những hệ luỵ khó lường. 

    Cụ thể, theo ông Nhã, trong đợt xả lũ tại các tỉnh Miền Trung đang diễn ra, những nhà quản lý thuỷ điện đã không dự báo và tính toán chính xác để cảnh báo hỗ trợ người dân phòng chống và chủ động xả lũ sớm và xả từ từ tránh gây thiệt hại. Các nhà máy thuỷ điện đã quá “ham hố” giữ nước, hệ quả là khi lũ về không “chịu” nổi nữa lại phải vội vàng xả lũ, khiến người dân không có nhiều thời gian phòng chống. Cường độ nước lớn, đến đồng thời từ nhiều nguồn khác nhau gây thiệt hại nặng. 

    Về vấn đề tác động làm mất rừng và thay đổi môi trường, ông Nhã cho rằng bản thân thuỷ điện không phải nguyên nhân chính gây mất rừng, mà chính là cách quản lý khiến cho nhiều dự án “núp bóng” thuỷ điện để phá rừng. Những công trình thuỷ điện lớn, có sự đầu tư và vận hành nghiêm ngặt như thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình cho kết quả tích cực. Và trên thực tế, ông Nhã đánh giá, thuỷ điện vẫn là nguồn năng lượng rẻ và sạch nhất, vì không xả thải hay khói bụi ô nhiễm ra môi trường như nhiệt điện than. Việc mất rừng do làm thuỷ điện chỉ khoanh vùng ở khu quy hoạch làm hồ chứa nước, xây đập và đường đi lên. Nhưng chính việc xây dựng dự án đã mở ra những con đường vào rừng, và đây là con đường để lâm tặc đưa xe tải vào rừng chặt gỗ. Ông Nhã chỉ ra các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ có hiệu quả khai thác ít, đóng góp cho việc sản xuất điện và điều hoà nước không cao, nhưng “góp phần” rất lớn trong việc phá hoại rừng và thay đổi dòng chảy. Nói cách khác, thuỷ điện vừa và nhỏ tác động tiêu cực hơn hiệu quả tích cực. Đó là lý do khiến Chính phủ phải chỉ đạo dừng rất nhiều dự án thuỷ điện vừa và nhỏ. 

    “Thuỷ điện vẫn là lựa chọn đúng đắn cho bài toán năng lượng và phát triển, vấn đề cần điều chỉnh là cơ chế quản lý, vận hành trong việc xây dựng và khai thác thuỷ điện mà thôi”, ông Nhã nhận định. 

    Ông Nguyễn Thanh Cao, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng chia sẻ những vấn đề hạn hán, lũ lụt xảy ra gần đây tại Đồng bằng sông Cửu Long và Miền Trung có nguyên nhân do mất rừng đầu nguồn Tây Nguyên, vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan.
     
    Thứ nhất, vấn đề di dân cơ học lên Tây Nguyên đã tạo nên áp lực rất lớn về dân số và sử dụng đất đai, tạo ra sức ép lớn lên tài nguyên rừng. Thứ hai, trong chiến lược phát triển, chúng ta đã không nhận thấy hết tầm quan trọng của rừng, dẫn đến hoạch định chính sách có nhiều bất cập và tận dụng khai thác quá mức tài nguyên sẵn có. Trong một thời gian dài không có sự đầu tư tái tạo rừng hoặc đầu tư quá thấp. Thứ ba, vấn đề chuyển đổi rừng gần đây cho phát triển ồ ạt một số cây công nghiệp như cao su, cà phê khiến nhiều diện tích rừng bị chuyển đổi sang trồng cao su.  

    “Những nguyên nhân trực tiếp như áp lực dân số; khai thác tài nguyên quá mức; xây dựng các công trình như giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện và các công trình cơ bản thìdễ thấy. Nhưng những nguyên nhân sâu xa thường bị lu mờ và không được phân tích kỹ, trong đó đặc biệt là những vấn đề thể chế, chính sách, luật pháp và thực thi. Tất cả những điều đó dẫn đến hiện tượng mất rừng. Hiện nay theo báo cáo, có 45% rừng che phủ, nhưng thực tế không đạt được như vậy”, ông Cao kết luận. 

    Chi tiết đọc Tại đây 
     

Bài viết khác