Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Quản lý bảo vệ rừng theo dòng họ của người H’Mông ở Quan Thần Sán

  • Quản lý bảo vệ rừng hiệu quả theo dòng họ
    Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán cho biết, hình thức quản lý rừng theo dòng họ ở xã Quan Thần Sán nói riêng và của cộng đồng người H’Mông nói chung không phải là hiện tượng đơn lẻ ở một số thôn bản, hay ở một vài dòng họ, mà là hiện tượng phổ biến ở các thôn bản, ở các dòng họ của người H’Mông ở tỉnh Lào Cai.
    Tại xã Quan Thần Sán, rừng của các dòng họ Cư, dòng họ Giàng, dòng họ Lứu, dòng họ Tráng và dòng họ Sùng có từ lâu đời và được quản lý sử dụng hiệu quả. Rừng quản lý theo dòng họ đã và đang đóng vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với sinh kế, bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa tín ngưỡng và ổn định xã hội của cộng đồng người H’Mông. Rừng của dòng họ cung cấp củi đun, gỗ làm nhà, nguồn thuốc nam trị bệnh, cung cấp nước quanh năm cho sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Rừng là nơi để cộng đồng dọng họ thực hành nghi lễ tín ngưỡng cúng rừng, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp họ có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên; cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển, và cho sự trường tồn của các dòng họ.
    Rừng của các dòng họ được quản lý bảo vệ hiệu quả chủ yếu dựa vào quy ước bảo vệ rừng của dòng họ và tuần tra của các tổ bảo vệ rừng. Mỗi dòng họ thành lập từ 1-2 tổ quản lý bảo vệ rừng do các thành viên dòng họ bầu hàng năm theo nguyên tắc quay vòng. Các thành viên trong các nhóm tiến hành kiểm tra tình trạng rừng hàng quý hoặc đột xuất khi có phản ánh của bất cứ ai về một vi phạm nào đó để kịp xử lý. Quy ước quản lý bảo vệ rừng của các dòng họ tương đối giống nhau về quy định những khu rừng nào bảo vệ nghiêm ngặt (rừng tâm linh) hoặc hạn chế khai thác (rừng bảo vệ nguồn nước); khu rừng nào được phép khai thác lâm sản, mức độ được khai thác, thời gian được khai thác, quy định hình thức xử phạt theo mức độ vi phạm… Đặc điểm nổi bật theo quy ước khai thác lâm sản của một số dòng họ ở đây (như dòng họ Cư) là quyết định đóng cửa rừng để rừng có thời gian phục hồi và tôn trọng các vị thần theo tín ngưỡng. Theo tín ngưỡng, sau lễ cúng rừng, thường quy định 3 – 7 ngày không ai được vào rừng, không được khai thác sản phẩm rừng. Đối với quyết định đóng cửa rừng để rừng có thời gian phục hồi, thường sau một thời gian khai thác và rừng trở nên nghèo kiệt và nhu cầu sử dụng gỗ làm nhà của các thành viên trong dòng họ về cơ bản đã được giải quyết, dòng họ quyết định đóng cửa rừng khoảng 10 năm. Trong thời gian này, quy ước của các dòng họ nghiêm cấm tất cả các hành vi xâm hại đến rừng. Hiện tại dòng họ Cư đã đóng cửa rừng được 3 năm. Quyết định về đóng của rừng để phục hồi rừng trong quy ước của các dòng họ là kết quả đúc kết kinh nghiệm và tri thức bản địa để duy trì và phát triển bền vững. 
    Tuy nhiên hiện nay, dòng họ chưa được cộng nhận là đối tượng được giao rừng theo quy định về cộng đồng dân cư thôn trong Luật BV&PTR2004. Theo định nghĩa cộng đồng dân cư thôn được giao rừng là toàn bộ dân cư trong thôn bản theo quản lý hành chính. Vì vậy, trên thực tế, dòng họ tham gia quản lý bảo vệ rừng như các chủ rừng khác và tổ chức quản lý hiệu quả nhưng chưa được tiếp cận chính sách hỗ trợ bảo vệ phát triển rừng. Đặc biệt hiện nay, huyện Si Ma Cai đang triển khai một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 22 năm 2014 của Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội ở huyện Si Ma Cai là GĐGR cho hộ và cộng đồng dân cư thôn bản. Tuy nhiên, việc dòng họ chưa được công nhận là đối tương được giao rừng sẽ là yếu tố cản trở để đảm bảo thực hiện rừng có chủ quản lý và quyền lợi của các dòng họ tham gia quản lý bảo vệ rừng.




    Rừng dòng họ Cư xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai/ Ảnh: CIRUM

    Cần công nhận quyền quản lý rừng theo dòng họ
    Ông Cư Seo Phú, Cán bộ phụ trách Văn hóa xã Quan Thần Sán cho rằng, các khu rừng của các dòng họ ở Quan Thần Sán đang quản lý và bảo vệ hiệu quả, mặc dù chưa nhận được pháp luật thừa nhận và chưa nhận được sự hỗ trợ nào trong công tác bảo vệ rừng. Điều này là không công bằng khi các dòng họ cũng tham gia quản lý bảo vệ rừng và thực tế bảo vệ hiệu quả hơn các chủ rừng khác như các tổ chức nhà nước (Các BQLR, Công ty lâm nghiệp).
    Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán cho rằng, Nhà nước cần công nhận quyền chủ rừng của các dòng họ có rừng quản lý chung để có cơ sở GĐGR, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó các dòng họ được hưởng cơ chế chính sách hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng công bằng như các chủ rừng khác.
    Thực tế cho thấy, về thiết chế tổ chức xã hội và quản lý tài nguyên, dòng họ có đầy đủ các tiêu chí thể hiện hình thức quản lý rừng theo cộng đồng như thôn bản.
    Về tổ chức, dòng họ có hệ thống tổ chức tự quản đứng đầu là tộc trưởng (tương đương như già làng) và các trưởng chi (tương đương như hội đồng già làng) được tất cả các thành viên trong họ tôn trọng và thừa nhận, tiếp đến là các hộ gia đình thành viên của dòng họ. Về quản lý sử dụng rừng, rừng của dòng họ là quyền sở hữu, quyền quản lý chung cả dòng họ và công tác quản lý bảo vệ rừng dựa vào quy ước của dòng họ, các thành viên tự nguyện, tự giác tham gia quản lý sử dụng bảo vệ rừng.
    Theo luật pháp hiện hành, điều 5 Luật Đất đai 2013 đã công nhận dòng họ là một trong những thành phần của cộng đồng dân cư được công nhận là người sử dụng đất (được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất). Điều 211, Bộ Luật dân sự 2015 đã công nhận quyền sở hữu tài sản chung của dòng họ. Do vậy, để phù hợp với Luật Đất đai 2013, Bộ Luật dân sự và đảm bảo quyền quản lý rừng của các dòng họ từ bao đời nay, trong kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật BV&PTR sắp tới (Luật Lâm nghiệp) cần thiết công nhận dòng họ là một trong những chủ rừng của thôn bản.

Bài viết khác