Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Tái định cư dự án thủy điện Sơn La: Gắn kết bảo tồn đa dạng văn hóa truyền thống

  • Nhà báo Phương Hoa-Báo Đại biểu Nhân dân
    Nội dung chi tiết vui lòng đọc tại Đây 

    Di dời, biến động về bản sắc văn hóa

    Đặc thù của các dự án thủy điện được triển khai xây dựng chủ yếu tại các tỉnh miền núi, nơi đồng bào dân tộc sinh sống theo cộng đồng với tập quán và nền văn hóa lâu đời. Việc di dời, tái định cư tại các công trình thủy điện khu vực miền núi khác với dự án giải phóng mặt bằng ở miền xuôi, bởi con người di dời sẽ kéo theo cả bản sắc văn hóa, tạo nhiều biến động đến đời sống của người dân di dời và cộng đồng vùng chịu ảnh hưởng.

    Công trình thủy điện Sơn La là một trong những dự án có quy mô di dân giải phóng mặt bằng lớn với gần 18 nghìn hộ gia đình, trong đó hàng chục vạn dân của 160 bản, thuộc 17 xã ở 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp thì việc triển khai tái định cư cho người dân vùng lòng hồ thủy điện Sơn La rất khó khăn vì đa số người dân thuộc các dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng về phong tục và tập quán canh tác. Việc di dời, tái định cư phục vụ xây dựng các công trình thủy điện sẽ dẫn đến những thay đổi lớn về tập quán canh tác, nguồn sinh kế, lối sống, tập tục canh tác cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Ngay cả trong một dân tộc, khả năng nhận thức và tác động của tái định cư cũng rất khác nhau, mà các tập tục văn hóa lại gắn với rừng.

    Theo Phó Giám đốc Trung tâm Cirum (Trung tâm tư vấn quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á) Nguyễn Văn Sự, đa số các dân tộc sống tại các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm gắn bó mật thiết với rừng, dựa vào rừng để tạo nên những giá trị văn hóa bản sắc của cộng đồng các dân tộc. Trong đó có văn hóa tín ngưỡng phụng thờ thần cúng rừng, tập quán sản xuất phát triển kinh tế, quy ước thôn, bản chăm sóc và bảo vệ, phát triển kinh tế từ rừng theo luật tục, tên rừng gắn với phong tục văn hóa mang bản sắc và có ý nghĩa riêng như, cánh rừng Đông Khuống (Rừng lớn nơi có hổ ở), Đông Tu Sửa (Rừng chôn nhau, rốn của trẻ sơ sinh), rừng Đông Căm (Rừng thiêng nơi thần linh ở)… Vì vậy, khi di dời người dân sẽ giữ được bản sắc văn hóa gắn với những cánh rừng, để bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa chung của cộng đồng, trong đó có thực hành văn hóa tâm linh tín ngưỡng, duy trì và phát triển tính đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, và môi trường sống cho đồng bào.


    Các khu tái định cư thủy điện Sơn La sẽ được đầu tư các dự án an sinh xã hội

    Hạn chế chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ từ rừng

    Theo Quyết định 196 và Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La và Chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, chưa quan tâm đến quy hoạch rừng cho cộng đồng dân cư thôn tái định cư. Đây là một yếu tố quan trọng cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa và đoàn kết các dân tộc. Các chính sách quy định về định mức đất đai cho hoạt động tái định cư mới đề cập đến đất sản xuất, đất ở và các cơ sở hạ tầng thiết yếu mà chưa đề cập đến việc phải thiết lập, bố trí các khu rừng để người dân tái định cư và việc đền bù đối với những cánh rừng cộng đồng các dân tộc thiểu số đã bị ngập trong các lòng hồ.

    Thực tế việc bảo đảm đất sản xuất cho người dân tái định cư là một bài toán khó đối với tất cả các địa phương. Lai Châu xác định lấy rừng là nguồn sống chủ yếu cho đồng bào, khuyến khích bà con bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng tái sinh và trên cơ sở đó địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho đồng bào giữ rừng, trồng rừng. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là khi xây dựng các công trình thủy điện, diện tích rừng đã bị mất tương đối, trong khi đó việc chia sẻ rừng từ người dân sở tại cho người dân tái định cư là không dễ dàng.

     Những khó khăn này khiến người dân di cư vẫn chưa chủ động kết nối những giá trị văn hóa vốn có, tạo ra khoảng cách và không đồng nhất trong quản lý. Bất cập này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân định cư. Mặt khác, bảo đảm quyền quản lý và phát huy bản sắc văn hóa, sinh kế gắn với rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng các thôn bản dân tộc thiểu số là nhân tố cơ bản để ổn định cuộc sống, ổn định xã hội tạo nên sức mạnh đoàn kết của các dân tộc và trở thành “phên dậu, lá chắn”.

    Theo các chuyên gia xã hội học, từ thực tiễn khai các dự án tái định cư, trong đó có các dự án tái định cư lớn cho các công trình thủy điện, chủ yếu ở địa bàn miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống đòi hỏi Nhà nước cần bổ sung vào quy hoạch tái định cư việc gắn kết bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào các dân tộc. Trong đó có phong tục, tập quán sản xuất, canh tác gắn với rừng, qua đó xác định rõ hơn quyền lợi và trách nhiệm của đồng bào trong việc bảo vệ và phát triển rừng nơi tái định cư nhằm phát huy mối quan hệ hữu cơ giữa rừng, đất lâm nghiệp và cộng đồng các thôn bản dân tộc - điều kiện cần và đủ để bảo đảm hiệu quả bảo vệ rừng duy trì an ninh nguồn nước và bảo vệ an ninh quốc phòng của cả nước. Bên cạnh các giải pháp về kinh tế, việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với rừng của đồng bào tái định cư cũng cần được quan tâm thích đáng trong quá trình xây dựng chính sách hậu tái định cư để có chính sách đầu tư hợp lý, nhằm giữ gìn và phát triển sự đa dạng trong bản sắc văn hóa truyền thống gắn kết bảo vệ tài nguyên rừng.

Bài viết khác