Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Tham vấn chuyên gia Sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng về Quản lý rừng thôn bản

  • Để có được ý kiến chuyên gia về những vấn đề bất cập và đề xuất thay đổi và điều chỉnh Luật BV&PTR liên quan đến quản lý rừng thôn bản, đồng thời có được cơ chế chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia và các tổ chức tham gia xây dựng Luật Lâm nghiệp nhằm góp phần xây dựng Luật phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng và định hướng của Nhà nước; ngày 9 tháng 9 năm 2016, tại Khách sạn La Thành, Hà Nội Trung tâm CIRUM và Tổng cục lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức "Tọa đàm chuyên gia tham vấn sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 về Quản lý rừng thôn bản”. Tọa đàm này thuộc khuôn khổ kế hoạch hợp tác giữa Tổng Cục Lâm nghiệp và Trung tâm CIRUM năm 2016 về phối hợp tư vấn sửa đổi Luật Lâm nghiệp.
     
    Tham dự Tọa đàm có đại diện các cơ quan Trung ương: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc Hội, Vụ dân tộc Văn phòng Quốc Hội; Vụ kinh tế ngành của Văn phòng Chính phủ; Các Vụ chuyên ngành phụ trách xây dựng sửa đổi Luật BR&PTR lcủa Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp); Các chuyên gia lâm nghiệp; Mạng lưới đất rừng; Các tổ chức Khoa học công nghệ (CIRD, RDPR, SPERI...); Liên hiệp các hội khoa học công nghệ tỉnh Kon Tum, tỉnh Lào Cai; Chi cụ kiểm lâm Lào Cai; Trung tâm CIRUM và Nhà tài trợ liên minh châu Âu (EU) và tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam.
    Toàn cảnh Tọa đàm-Ảnh CIRUM
    Bà Trần Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm CIRUM mở đầu Tọa đàm bằng những chia sẻ tâm huyết "rừng của thôn bản hay rừng của buôn làng hết sức gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam, những tên gọi đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân và là tài sản không thể thiếu được trong đời sống tâm linh và sinh tồn của họ, tuy nhiên quyền tiếp cận, quản lý rừng truyền thống là một thách thức. Buôn làng, thôn bản chưa thực sự là chủ rừng đích thực trong khi đã quản lý, gìn giữ hàng trăm năm nay. Đây là chủ đề thảo luận trong Tọa đàm hôm nay”.
     
    Ông Trần Ngọc Bình - Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, “Luật BVPTR 2004 đã được thực hiện được 10 năm, phần nào đã góp phần quan trọng đối với ngành Lâm nghiệp, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đến nay Luật này có nhiều nội dung chưa phù hợp với những thay đổi của môi trường chính sách của các Luật liên quan (Luật Đất đai 2013) và những thách thức từ thực tiễn về quản lý, sử dụng bảo vệ và phát triển rừng. Tổng cục Lâm nghiệp được Chính Phủ giao sửa đổi luật này, nhưng việc sửa đổi không chỉ là trách nhiệm riêng của Tổng cục mà là trách nhiệm, quyền lợi chung của mọi người dân và tất cả chúng ta nhằm đảm bảo tính phù hợp của Luật khi ban hành. Do đó, cuộc họp hôm nay, chúng tôi muốn được nghe các ý kiến của tất cả mọi người ở đây để làm cơ sở tham vấn sửa đổi Luật”.


    Ông Phan Đình Nhã- Ảnh CIRUM
     
    Làm tiền đề cho chia sẻ và thảo luận, ông Phan Đình Nhã - Trung tâm CIRUM đã có một bài chia sẻ tóm lược về một số bất cập trong Luật BV&PTR 2004. Theo đó, về môi trường chính sách, một số nội dung quy định của Luật BV&PTR 2004 chưa đảm bảo tính tương tác với một số Luật sửa đổi bổ sung ban hành sau 2004 như: Luật Đất đai (2013), Luật Bảo vệ môi trường (2014).Về thực tiễn, Luật BV&PTR 2004 chưa đảm bảo định chế và hiệu lực thực thi để quản lý bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. Người làm nghề rừng chưa sống được từ kinh tế rừng, đặc biệt là các thôn bản có hình thức quản lý rừng theo cộng đồng sống dựa vào rừng nhưng chưa có điều kiện để tiếp cận rừng để ổn định cuộc sống, phát huy bản văn hóa, sinh kế gắn với rừng.
    Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận sâu sắc và thực tế từ các chuyên gia, đại diện cộng đồng liên quan đế bất cập của Luật BVPTR 2004.

    Bà Hồ Thị Kon dân tộc Vân Kiều, Quảng Bình-Ảnh CIRUM
    Bà Hồ Thị Kon, dân tộc Vân Kiểu ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ “Hiện tại, người dân chúng tôi thiếu đất để sản xuất, phần lớn diện tích đất, rừng đều là của Lâm trường, bước ra khỏi nhà là đã là đất của Lâm trường rồi. Phần được giao thì phần lớn là rừng ở rất xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn và là khu vực nghèo kiệt không canh tác được và khó bảo vệ”.
     
    Từ thực tiễn những bất cập của Luật BVPTR 2004, tại Tọa đàm các đại biểu cũng đề xuất điều chỉnh Luật BV&PT rừng liên quan đến rừng thôn bản và liên kết bảo vệ rừng trong Luật lâm nghiệp.


    Ông Nguyễn Khắc Thứ - Ảnh CIRUM
     
    Liên quan đến quy hoạch 3 loại rừng, ông Nguyễn Khắc Thứ - Nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đề xuất: Thứ nhất, khi quy hoạch 3 loại rừng thì phải làm rõ vai trò của chính quyền địa phương và quan tâm đến phong tục tập quán địa phương để đảm bảo tính phù hợp. Thứ hai, những khu rừng đã tồn tại lâu đời trong cộng đồng của người dân tộc thiếu số có yếu tố tâm linh cũng như người Kinh là các khu rừng chung giữ nước sản xuất và sinh hoạt thì phải cấp quyền cho họ và có chính sách cho họ.
    Cũng tại Tọa đàm đã có thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia, những người đã từng công tác trong lĩnh vực lâm nghiêp liên quan đến những vấn đề bất cập cũng như những đề xuất để sửa đổi Luật BVPTR 2004 phù hợp với thực tiễn.

     
    Ông Lù Văn Que - Ủy viên đoàn chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm -Ảnh CIRUM



    Ông Nguyễn Thanh Cao Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật tỉnh  Kon Tum. Nguyên Bí thư, Chủ tịch tỉnh Kon Tum phát biểu tại Tọa đàm - Ảnh CIRUM
     
    Ông Võ Đình Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành Văn phòng Chính phủ đã đánh giá cao cuộc Tọa đàm. Ông khẳng định “đây giống như một mô hình thu nhỏ của Quá trình sửa đổi Luật mà Nhà nước đang làm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên tổ chức nhiều cuộc tọa đàm như thế này”.


    Ông Võ Đình Tuyên - Phó VT Vụ kinh tế ngành VPQH phát biểu- Ảnh CIRUM
     
    Kết thúc tọa đàm, đã có 27 ý kiến đóng góp của các đại biểu. Ông Trần Ngọc Bình thay mặt Ban tổ chức đánh giá cao các ý kiến của đại biểu và khẳng định những ý kiến tại Tọa đàm sẽ được ghi nhận và đưa vào thảo luận trong quá trình sửa đổi luật Bảo vệ Phát triển rừng 2004 phù hợp.

Bài viết khác