Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Vùng dân tộc thiểu số: Cần có giải pháp căn cơ về đất ở đất, sản xuất

  • (quochoi.vn) Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong buổi làm việc sáng ngày 28/6 giữa Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội "Về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2012-2018" với đại diện một số bộ ngành. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Trưởng đoàn Giám sát, chủ trì buổi làm việc.

     

     

    Toàn cảnh buổi làm việc 

    Nhiều nội dung quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến đường giao thông nông thôn, nhà ở, đường điện đến các thôn bản, việc bố trí dân cư, vấn đề cấp gạo, bảo vệ rừng, chính sách hỗ trợ sản xuất và đặc biệt là nội dung về đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được các đại biểu quan tâm thảo luận tại buổi làm việc. Các đại biểu trong Đoàn giám sát cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng nhất để giảm nghèo bền vững là người dân phải được an cư lạc nghiệp, nhưng hiện nay tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất vẫn còn rất nhiều thách thức.

    Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, qua quá trình giám sát tại các địa phương cho thấy việc xử lý đất ở đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số rất chậm trong khi đó việc sử dụng đất đai nông lâm trường chưa hiệu quả. Trước đây nhiều người dân đã bị thu đất để giao cho nông lâm trường, mặc dù các nông lâm trường không hoạt động hiệu quả nhưng người dân thiếu đất sản xuất vẫn không được cấp lại. Vấn đề này còn nhiều bất cập cả trong chính sách và tổ chức thực hiện.

    Bà Trần Thị Hoa Ry Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng giải quyết vấn đề đất ở và đất sản xuất không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến cả vấn đề an ninh xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ nghèo cao lại thiếu đất ở và đất sản xuất, trong khi các thế lực thù  địch luôn tìm cách chống phá ở những vùng này, nếu không được xử lý tốt thì có thể dẫn đến bất ổn về an ninh chính trị. Thứ nữa là trong báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường có 11,5% số hộ được giao đất, 10% số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi có chính sách, nhiều đồng bào đã trông đợi được xét và phân bổ đất nhưng tỷ lệ đáp ứng lại quá thấp. Bà Hoa Ry nhấn mạnh rằng như thế là chúng ta vẫn đang nợ dân bởi hiện vẫn chưa thấy có phương án để thực hiện việc bố trí đất ở và đất sản xuất cho người dân mặc dù đây là một trong những vấn đề quyết định để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.

    Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, qua quá trình giám sát cho thấy nhiều địa phương các cấp đã không thể giải quyết được đất sản xuất và đất ở, đồng thời bày tỏ băn khoăn là với vai trò quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp gì cho vấn đề này? Đây là nội dung quan trọng cần tập trung nguồn lực để thực hiện bởi thực tế muốn đảm bảo sinh kế thì trước hết phải an cư, tuy nhiên không có đất ở thì không an cư được.

     Bà Đinh Thị Phương Lan - Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lại băn khoăn về việc tổ chức thực hiện chính sách và vai trò quản lý nhà nước bởi mặc dù vùng Tây Bắc quỹ đất còn khó khăn nhưng thời gian qua đã bố trí được 20%, trong khi đó vùng Tây Nguyên quỹ đất nhiều hơn nhưng chỉ bố trí được 16%.

    Ông Nguyễn Hải Hữu, Nguyên Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động và Thương binh xã hội, thành viên Đoàn giám sát, đưa ra gợi ý là cần phân chia các đối thượng thiếu đất ở, đất sản xuất theo nhóm các nguyên nhân bởi vì có vùng thiếu đất do tăng dân số tự nhiên và do dân di cư đến nhưng cũng có tình trạng người dân có đất đã bán và sau đó lại đi phá rừng để làm rẫy, riêng nhóm này thì nếu cấp bao nhiêu cũng không đủ.

     

     

     

    Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ một số vấn đề tại buổi làm việc 

    Trả lời những vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai, Tổng cục Đất đai cho biết hiện quỹ đất ở và đất sản xuất ơ các vùng không còn nhiều, đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ. Vùng này đồng bào cũng không nỗ lực để có đất sản xuất mà chủ yếu người dân chọn đi làm thuê. Vì vậy Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang hướng sang chính sách hỗ trợ liên quan đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân vùng này. Vùng Tây Bắc hiện còn khoảng 10% quỹ đất để giao cho người dân nhưng chất lượng đất không tốt để sản xuất nông nghiệp.

    Nguồn quỹ đất để cấp cho các hộ dân gồm 3 nguồn chính là mua lại các hộ không có nhu cầu sản xuất, quỹ đất của uỷ ban nhân dân các cấp và đất nông lâm trường. Theo đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp rà soát lại đất nông lâm trường và rừng phòng hộ ở những nơi ít xung yếu có thể điều chuyển để cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuy vậy những loại đất này cũng thường ở xa dân cư và có những khó khăn nhất định.

    Đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng cần phải tính toán và cân nhắc nhiều giải pháp như hỗ trợ bằng tiền, mua lại đất để cấp cho dân, quy hoạch bố trí lại dân cư hoặc nghiên cứu chế tài để hạn chế tối đa người dân bán đất, tuy nhiên những giải pháp này cần phải nghiên cứu thật kỹ vì liên quan đến tập quán canh tác của người dân và nhiều vấn đề khác. Với quỹ đất eo hẹp như hiện nay mà tốc độ tăng trưởng dân số đang cao thì đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về giài hạn cần tính đến giải pháp đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp.

     

     

     

    Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu kết luận nội dung làm việc

    Phát biểu kết luận về nội dung này, Trưởng đoàn Giám sát Hà Ngọc Chiến đề nghị Bộ Tài Nguyên và Môi trường đánh giá kỹ tính khả thi và tính bền vững của các giải pháp. Cũng cần tập trung rà soát lại đất nông lâm trường, rừng phòng hộ để cấp lại cho dân, một số diện tích trong số đó trước đây là của người dân đã bị thu hồi để sử dụng vào các mục đích khác./.

    Phan Xanh

Bài viết khác