Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Hồn vía của buôn làng đã có được nơi neo đậu vững vàng

  •               Hội tụ đủ nỗ lực của các tổ chức Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Kon Tum (LHH Kon Tum), Viện CODE, Trung tâm CIRUM, chính quyền xã Hơ Moong, sáng kiến trồng rừng cây bản đị đa loài để tái tạo và phát triển rừng cộng đồng của người dân Ka Bay và Mạng lưới Đất rừng Hơ Moong đã được thực hiện. 1.000 cây Trắc, Hương, Cẩm Lai và Sao đen đã được trồng vào Rừng Giọt nước buôn Ka Bay. Sự tham gia của đại diện từ 203 hộ dân, trong đó có hơn 30 đại diện là phụ nữ và 14 thành viên Mạng lưới Đất rừng xã Hơ Moong đến từ các buôn Ka Bay, Đắk Wớt, Đắc Yo và Kơ Tu tham gia trồng rừng đã khẳng định ý chí quyết tâm phục hồi rừng tự nhiên của người dân tái định cư của xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm tái định cư,  Rừng Giọt nước của buôn Ka Bay được chăm sóc và hỗ trợ để rồi hồn vía của Buôn làng có được nơi neo đậu chắc chắn.
     
                   Không có gì vui bằng lễ hội Giọt nước trên Tây Nguyên trong sự hiện diện của các cánh rừng thiêng-Rừng Giọt nước- Nơi khởi thủy của sự sống. Sáng nay, 28.6.2015, Buôn Ka Bay với 203 nóc nhà tái định cư đã có một ngày vui như hội, khi 1.000 cây rừng quí hiếm như Trắc, Hương, Cẩm Lai và Sao đen đã được bà con nâng niu và trồng vào khu rừng Giọt nước hiếm hoi của mình.  Người dân vui, cán bộ vui và những người làm công tác hỗ trợ phát triển từ Viện CODE, LHH Kon Tum, Trung tâm CIRUM và cả Mạng lưới Đất rừng xã Hơ Moong đều vui. Những mảnh rừng tự nhiên nghèo kiệt, hiếm hoi và nhỏ bé đầu nguồn 3 công trình cấp nước còn lại của các buôn khác như Đắk Wớt, Đắc Yo và Kơ Tu chắc rồi cũng sẽ có được cơ hội để phục hồi và tái tạo.
     
    Nụ cười của A Diếc, người thứ hai từ trái sang phải thực sự vui khi tiếp nhận những bầu cây giống. Ảnh LHH Kon Tum
     
                   Có lẽ, bất kể ai, mỗi khi nghe câu hát "Rừng Tây Nguyên xanh, Hồ trong nước xanh, Dòng sông xa xanh, Ngút ngàn cây xanh" đều mường tượng ra một Tây Nguyên tuyệt đẹp, thơ mộng và hùng vĩ với biết bao những cánh rừng tự nhiên mênh mông xanh ngát. Rồi chiến tranh, rồi các hoạt động phát triển trên Tây Nguyên được thúc đẩy với các chương trình, dự án phát triển thủy điện; thiết lập các vùng chuyên canh cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu, điều cùng với việc mở rộng và thành lập các khu đô thị... thì Rừng xanh Tây Nguyên cứ lùi dần, lùi dần vào xa tít trong ký ức của mỗi người.
                  
                   Với các buôn làng tái định cư của xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy thì rừng tự nhiên cơ bản chỉ vỏn vẹn còn mấy chục hecta. Tệ hơn, rừng ra đi kéo theo luôn cả hồn vía của các buôn làng đi theo. Nuối tiếc cái không gian văn hóa tâm linh sâu nặng, gắn với Lễ hội Giọt nước, những năm qua dù rừng không còn nhưng các buôn vẫn tổ chức lễ Giọt nước. Thay vì tổ chức lễ Giọt nước ở rừng thì cộng đồng và các già làng chỉ tổ chức tượng trưng tại các Nhà rông. Điều đó ngẫm thật thương và cũng thật buồn.
                  
                   Rồi Trời Đất cũng động lòng trắc ẩn và run rủi để những mảnh rừng sót lại dù nhỏ nhoi, nghèo kiệt trên đầu nguồn các công trình cấp nước của các buôn Ka Bay, Đắk Wớt Đắk Yo và Kơ Tu cũng có được chút may mắn khi Nhà nước có chủ trương  giao đất giao rừng cho cộng đồng; Và để rồi những sự mong mỏi tái tạo rừng tự nhiên của họ nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phát triển và chính quyền xã Hơ Moong.
                  
                   Rất vui, một cái vui khó tả khi hôm nay mỗi người, mỗi gia đình được tự mình trồng thêm một cây xanh vào rừng của chính buôn mình. Hồ hởi, anh A Diếc chia sẻ "Cả buôn đi trồng rừng anh ơi. Vui ghê. Già làng A Sinh điều hành đấy". Những nam thanh, nữ tú của buôn Ka Bay bên cạnh những người già, phụ nữ gùi những gùi cây giống đã được ươm thành thục trong nhưng chiếc bầu nặng đến 2-3 kg thoan thoắt bước vào rừng Giọt nước.
     
    Bà con Ka Bay và các thành viên từ 3 buôn Đắk Wớt, Đắc Yo và Kơ Tu thực sự vui vẻ khi được tự mình trồng cây vào rừng cộng đồng Ka Bay ngày 28.6.2015. Ảnh LHH Kon Tum
     
                   Từng hàng, từng hàng cây được trồng vào khu rừng cộng đồng và được đánh dấu. Anh Nguyễn Văn Toàn, chuyên viên LHH Kon Tum là người chịu trách nhiệm lo cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho bà con, chia sẻ "Tôi hướng dẫn bà con trồng thành từng hàng và có đánh dấu anh à. Trồng như vậy, dễ chăm sóc và thuận lợi cho việc thiết lập lý lịch trồng rừng để sau này khi cây lớn lên nếu các già làng có quyết định khai thác thì có cơ sở". Chà một suy nghĩ rất xa và cũng rất hợp lý. Cái hợp lý ở chỗ, với quy định rừng trồng được khai thác, song là cây bản địa khi khai thác nếu không có chứng minh được là cây do người dân trồng thì sẽ vô cùng phức tạp. Nhưng dù sao thì rồi mọi thứ đều sẽ thuộc vào quyền của bà con và được pháp luật cũng như Luật tục bảo vệ. Hãy cứ tin như vậy và hãy hy vọng cho những cánh rừng nhỏ bé này sẽ chóng phục và phát triển để tấm áo thiên nhiên rừng núi được lành lặn lại như xưa.


    Anh Nguyễn Văn Toàn, LHH Kon Tum đang hướng dẫn bà con cách trồng cây vào rừng. Ảnh LHH Kon Tum
     
                   Kết thúc một ngày trồng rừng đầy vui vẻ và hào hứng, tất cả những thành viên tham gia ngồi quây quần bên những mâm cơm cộng đồng trong Nhà rông buôn Ka Bay. Họ uống với nhau những vò rượu ghè tự làm và nói với nhau về ngày mai tươi sáng khi rừng Giọt nước trở lại đúng dáng dấp và hồn vía của nó.
                  
                   Tiếng già A Sinh như vừa khen ngợi, vừa nhắn gửi và vừa giao nhiệm vụ cho mỗi người "Mọi người đã cố gắng rồi. Rừng được trồng thêm cây rồi. Ai cũng phải gữi cái rừng của mình. Những hộ đã trót trồng mỳ vào một số điểm của rừng Giọt nước năm nay, năm sau không trồng nữa". Cả buôn vỗ tay rào rào bày tỏ sự đồng thuận và khích lệ.
                  
                   Rừng sẽ phục hồi. Nước sẽ về lại nhiều hơn. Không gian văn hóa tâm linh của cộng đồng lần nữa được củng cố và bảo tồn cho muôn đời thế hệ con cháu mai sau của Ka Bay. Một sự khởi đầu thật vô cùng ấn tượng, sâu sắc và cảm động. Có một cây là có rừng. Nhiều người trồng nhiều cây sẽ có những cánh rừng. Hãy tin như vậy.
                  
                   Chúc người dân Ka Bay nói riêng và những người dân trên các buôn tái định cư khác của xã Hơ Moong có được thêm những điều may mắn để có thể tái thiết một phần bức tranh sinh tồn truyền thống của mình để con cháu hát mãi "Bài ca Tây Nguyên tôi yêu trọn đời" trong ngút ngàn cây xanh.
                                                                                                                                          
    Ka Bay, tháng 6.2015
    Nguyễn Văn Sự - CIRUM

Bài viết khác