Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum: Khi dân thôn tự làm chủ rừng

  • Cuối năm 2017, Cộng đồng dân cư 2 thôn Tu Mơ Rông và Đắc Chum 1 chính thức được giao đất gắn với giao rừng. Những cánh rừng này chính là không gian sinh tồn quan trọng của bà con Xê Đăng sinh sống tại nơi đây. Cùng với đó, các mô hình sinh kế cho bà con cũng được xây dựng Đây là hai thôn đặc biệt khó khăn của xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Hai thôn có 108 hộ gia đình chủ yếu là đồng bào dân tộc Xê Đăng nghèo, trong đó thôn Tu Mơ Rông có 67 hộ và Đắc Chum 1 có 41 hộ.
    Đến nay, cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Rừng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn nhờ chính các thành viên trong 2 thôn. Việc trồng sâm ngọc linh gắn với quản lý bảo vệ rừng ngày càng phát triển và cuộc sống bà con ngày càng ổn định hơn.
    Có được kết quả ấy chính là sự hỗ trợ, quan tâm của Dự án Liên minh Châu Âu (EU) cũng như sự nỗ lực hết mình của UBND huyện Tu Mơ Rông, UBND xã Tu Mơ Rông, Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) cùng cộng đồng hai thôn Đăk Chum 1 và Tu Mơ Rông.
     
    Khi lệ thôn phát huy tác dụng
    Mỗi thôn tự thành lập tổ bảo vệ rừng, có quy chế và cơ chế hoạt động rõ ràng. Trong quá trình triển khai xử lý đối tượng vi phạm vào rừng cộng đồng đều có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai thôn, Kiểm Lâm và UBND xã.  
    Anh A Phan – Trưởng thôn Đăk Chum 1 kể cho chúng tôi câu chuyện xử lý một vụ vi phạm chặt phá rừng của cộng đồng:
    Đối tượng là người ngoài vào đã lén lút chặt hạ một số cây gỗ to trong rừng. Họ tưởng dân thôn không để ý nên khoảng 7h tối cho kéo gỗ ra ngoài. Lúc này có người dân trong bản đi nương về phát hiện ra đã báo cho trưởng bản. Trưởng bản đánh kẻng báo cho cả thôn biết. Sau đó hơn 30 hộ dân tập hợp và cùng đi lên rừng để bắt lâm tặc. Đến nơi chỉ thấy có hai con trâu đang kéo gỗ, còn chủ thì thấy dân thôn đã bỏ trốn. Các thành viên trong thôn đã dắt trâu về thôn.
    Đến sáng hôm sau chủ gỗ đến xin trâu cả thôn không đồng ý vì đã vi phạm luật tục của thôn do chặt phá rừng đầu nguồn nước. Tôi đã chủ động báo cho kiểm lâm, chính quyền xã và cùng với chủ trâu, đại diện già thôn đi lên khu vực cây rừng để chặt phá. Tại đây mọi người đều thống nhất xử lý theo quy chế của Thôn đồng thời dùng rìu bổ phá gỗ ngay tại rừng.
    Quay trở lại Thôn, Hội đồng già thôn đã họp và thống nhất phạt chủ gỗ 30,000,000 đồng và lập biên bản để lần sau không tái phạm. Cả dân thôn ai cũng đồng ý và vui vẻ bởi phải làm cho mạnh, cho nhớ để lần sau không còn xâm phạm vào rừng đầu nguồn nước của Thôn nữa. Số tiền này một nửa dùng để làm quỹ quản lý bảo vệ rừng của thôn, một nửa được chia đều cho các hộ dân trong Thôn.
    Cây sâm ngọc linh – sinh kế bền vững mới của bà con
    Bên cạnh công tác quản lý bảo vệ rừng cả hai thôn Đăk Chum 1 và Tu Mơ Rông đều đang triển khai mô hình trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng già tại khu rừng được giao cho hai cộng đồng quản lý bảo vệ.
    Y Thu – Trưởng Thôn Tu Mơ Rông chia sẻ:
     Cả thôn ai cũng thích mô hình này vì cây này rất có giá trị mà lại là cây bản địa ở đây. Cây mới trồng được gần 1 năm mà sinh trưởng phát triển tốt lắm. Vì là cây quý nên thôn em luôn luôn cử người đi tuần tra bảo vệ thường xuyên 2 ngày 1 lần, xung quanh còn phải làm bẫy để cho đối tượng bên ngoài không xâm phạm được.
    Ở bên thôn Đăk Chum 1 họ còn mua cả dây thép gai, dựng cả chòi để lên đó canh giữ. Lúc trồng có 120 mầm, mỗi mầm sâm mua cũng trên 200,000 nên rất quý. Đến nay chỉ còn 113 mầm nhưng sinh trưởng phát triển tốt, 7 mầm bị con chuột chui từ dưới đất lên cắn nên bị chết mất rồi. Đến năm thứ 4, thứ 5 thì đẹp lắm vì lúc đó cây cao rồi, lá cũng xanh hơn và bắt đầu cho thu hoạch. Nếu bán lá 1kg cũng phải 7-8 triệu đồng, còn bán hạt thì cũng phải 50-60 nghìn/hạt, củ thì chưa bán vì Thôn chúng tôi đã thống nhất là để cây ra hoa và tiếp tục nhân rộng mô hình.
     
    Cùng đi với đoàn, anh A Phan, trưởng thôn Đăk Chum 1 hào hứng chia sẻ thêm về mô hình trồng sâm ngọc linh:
    Thôn Đăk Chum 1 của tôi cũng như Thôn của Y Thu, bà con rất hào hứng khi triển khai mô hình. Hiện nay ngoài diện tích trồng sâm được dự án hỗ trợ, trong thôn đã có một số hộ tự nhân rộng mô hình này. Ví dụ như tôi đã trồng thêm 40 mầm hay hộ chị Y Ngoan cũng trồng thêm 20 mầm trên khu rừng này. Tôi tin là sẽ thành công vì trước đây cũng đã có cây sâm ngọc linh tự mọc ở khu vực này. Thôn chúng tôi có một nguyên tắc là nếu làm cái gì trên đất rừng của cộng đồng cũng đều thống nhất thông qua họp thôn, nếu thôn đồng ý mới được làm. Như cá nhân tôi là trưởng thôn, khi làm cũng phải được thôn đồng ý sau đó phải lên xã chia sẻ mới được làm. Tôi rất vui vì ai cũng ủng hộ, nhiệt tình tham gia bảo vệ mô hình kinh tế gắn với quản lý bảo vệ rừng chung của cộng đồng.

    Chính việc giao đất, giao rừng và triển khai mô hình trồng sâm ngọc linh dưới tán rừng già đã gắn kết cộng đồng, góp phần không nhỏ trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại Kon Tum. Cùng với đó, hai thôn Đăk Chum 1 và Tu Mơ Rông được đều được quy hoạch là vùng chiến lược để phát triển vùng Sâm ngọc linh của tỉnh Kon Tum. Không những thế, bắt đầu từ năm 2018 toàn bộ diện tích đất rừng giao cho 2 thôn đều được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng, mỗi ha được chi trả 400,000đ, như vậy với diện tích rừng 538ha, hai cộng đồng sẽ được hưởng 215 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn với cộng đồng và sẽ giúp ích rất nhiều để cộng đồng tiếp tục duy trì hoạt động quản lý bảo vệ rừng đồng thời có thể sử dụng để mở rộng mô hình trồng sâm ngọc linh dưới tán rừng. Y Thu – Trưởng thôn Tu Mơ Rông và A Phan – trưởng thôn Đăk Chum 1 đều chia sẻ: “Sau khi có tiền dịch vụ môi trường rừng cả thôn sẽ họp lại thống nhất quỹ quản lý bảo vệ rừng và chắc chắn sẽ dành một phần tiền để tiếp tục mở rộng mô hình trồng sâm ngọc linh”

Bài viết khác