Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Hội thảo tập huấn Kiến thức và kĩ năng truyền thông bảo vệ rừng cho Phụ nữ và Thanh niên

  • Đây là chương trình phối hợp thực hiện giữa Quỹ Phát triển Nông thôn và Giảm nghèo huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (RDPR) và Trung tâm Tư vấn Quản lý, Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) nhằm nâng cao kiến thức và kĩ năng truyền thông về bảo vệ rừng cho phụ nữ và thanh niên người dân tộc thiểu số.
     
    Chương trình Hội thảo tập huấn này diễn ra trong 2 ngày, 21 và 22/11/2016 tại Hội trường UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với  sự tham gia của 20 học viên trong đó 10 nữ và có 10 thành viên là người dân tộc Vân Kiều. Điều phối và thúc đẩy Hội thảo tập huấn là các cán bộ có kinh nghiệm và kỹ năng trong hoạt động truyền thông của tổ chức RDPR và Trung tâm CIRUM.
     
    Hội thảo tập trung vào cung cấp và hướng dẫn cho các học viên thực hiện các kĩ năng, kiến thức cơ bản về quay phim, chụp ảnh bằng máy Ipad; Cách xây dựng câu chuyện tự kể liên quan đến các vấn đề thực tế đang diễn ra tại cộng đồng của các học viên và thực hiện quay, dựng các bộ phim ngắn để thực hành các kiến thức đã học.


    Các học viên thích thú thưc hành quay phim, chụp ảnh - Ảnh CIRUM
     
    Trong ngày tập huấn đầu tiên, học viên được giới thiệu các kỹ thuật chụp ảnh, quay phim và xây dựng cây chuyện tự kể. Theo đó, Các học viên làm việc theo nhóm nhỏ sử dụng Ipad để chụp hình và quay phim. Các hình ảnh do các học viên thực hiện được trình chiếu tại lớp học để các học viên khác cùng quan sát và nhận xét đánh giá bức ảnh nào đẹp và chưa đẹp. Dựa trên đó, người hướng dẫn chia sẻ thêm cho các học viên những kĩ thuật liên quan để có được một bức ảnh đẹp như quy tắc 1/3, quy tắc hướng nhìn, ánh sáng và bố cục của hình ảnh.
    Với phương pháp lý thuyết kết hợp thực hành, ban đầu các học viên còn bỡ ngỡ và ngại ngùng, nhưng với sự hướng dẫn tận tình, dễ hiểu của các cán bộ từ 2 trung tâm RDPR, CIRUM, họ đã dần dần mạnh dạn sử dụng máy Ipad để quay phim, chụp ảnh một cách tự tin và hứng khởi, đặc biệt là phụ nữ.
    Để chuẩn bị hành trang cho các học viên bắt đầu xây dựng câu chuyện tự kể, họ được xem một bộ phim ngắn với các nhân vật có thật liên qua đến câu chuyện 'Tranh chấp đất rừng". Đây là cách để các học viên hình dung một câu chuyện tự kể như thế nào. Những học viên ở các thôn gần nhau hoặc điều kiện sống của họ có đặc điểm giống nhau được chia thành một nhóm.
     
    Các học viên đang thảo luận nhóm về câu chuyện và kịch bản để làm phim - Ảnh CIRUM
     
    Trên cơ sở thảo luận, lớp học đã đưa ra được 03 vấn đề tại cộng đồng mà họ đang đối mặt, đó là: (i) Tình trạng người dân thiếu đất rừng sản xuất trong khi Ban quản lý rừng phòng hộ, Lâm trường và các Công ty Lâm nghiệp có trên địa bàn thì có rất nhiều đất; (ii) Người dân thiếu đất rừng do địa hình đồi núi, dốc khó canh tác nên mong muốn được giao một vùng đất lâm nghiệp phù hợp cho họ canh tác đảm bảo sinh kế; (iii) Khó khăn trong việc giải quyết vùng đất trồng màu .
     
    Sau khi thảo luận từng vấn đề, các học viên thống nhất lựa chọn 2 vấn đề đầu tiên để xây dựng thành phim. Trên cơ sở đó, thành viên chia thành 2 nhóm thảo luận hoàn thiện nội dung câu chuyện.
     
    Trong ngày tập huấn thứ hai, lớp học được giới thiệu cách xây dựng kịch bản phim dựa trên cơ sở câu chuyện đã hoàn thiện của ngày hôm trước.  Các thành viên tiếp tục giành thời gian thảo luận thống nhất kịch bản trước khi đi thực địa quay phim. Các học viên hứng khởi thảo luận câu chuyện và háo hức đi thực địa để quay phim. Sau nửa ngày đi thực địa và biên tập phim, 02 bộ phim ngắn đã được hoàn thiện và trình chiếu trước lớp học, các học viên cùng nhau xem và chia sẻ cảm xúc và cảm nghĩ của mình sau khi xem 2 bộ phim. Điều để lại nhiều trăn trở nhất cho lớp học đó là làm sao có thể cải thiện tình trạng thiếu đất rừng của người dân sống bên cạnh rừng. Cả hai bộ phim đều toát lên mong muốn của cộng đồng là được giao đất cho họ để đảm bảo sinh kế và tương lại cho con cháu họ sau này.


    Các học viên chụp ảnh lưu niệm - Ảnh CIRUM
     
    Kết thúc Hội thảo tập huấn các học viên đều cảm thấy thích thú với những kiến thức học được. Em Hồ Thị Bông - người dân tộc Vân Kiều ở bản Bến Đường hào hứng chia sẻ "Em thích lắm, bây giờ em thấy mình đã biết cách chụp được những bức ảnh đẹp vì em đã biết đến các quy tắc 1/3, hướng nhìn cũng như biết lựa chọn ánh sáng để có thể chụp ảnh không bị đen nữa. Em cũng có điện thoại chụp được ảnh, em sẽ sử dụng điện thoại để chụp các bức ảnh tại thôn bản mình về hoạt động của nhà em, dân bản em cũng nhưng khi có việc gì đó người dân gặp phải em cũng chụp ảnh để có thể chia sẻ lại cho mọi người bên ngoài biết."
     

     

Bài viết khác