Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Quyền của cộng đồng thôn bản dân tộc thiểu số đối với đất rừng được ghi nhận tại Hội thảo quốc gia của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn

  • Quyền của cộng đồng thôn bản dân tộc thiểu số đối với đất rừng là một trong những kiến nghị của Trung tâm CIRUM được Ban tổ chức ghi nhận trong ‘Hội thảo quốc gia về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)’ do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 16/12/2016 tại Hà Nội.

    Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi); lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cán bộ lão thành trong Ngành; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp; lãnh đạo UBND một số tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm; một số tổ chức quốc tế; Trung tâm CIRUM và một số tổ chức Phi chính phủ khác.
    Nội dung Hội thảo tập trung thảo luận vào 4 vấn đề: Phạm vi điều chỉnh và tên Luật, Các hình thức sử hữu rừng, Giao rừng cho cộng đồng dân cư, Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.

    Phát biểu tại Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Sự - Phó Giám đốc Trung tâm CIRUM đại diện cho các tổ chức trong liên minh LISO (CIRUM, SPERI, CODE, CIRD) và các tổ chức đối tác nghiên cứu về lĩnh vực quản lý rừng cộng đồng thôn bản  đã chia sẻ về kết quả hỗ trợ và tầm quan trọng của công tác hỗ trợ giao đất rừng cho cộng đồng thôn bản mà các tổ chức đã thực hiện trong nhiều năm qua trên các vùng miền. Theo đó, ông Sự đã kiến nghị bổ sung 7 nội dung trong Dự thảo về sửa đổi Luật BVPTR 2004. Cụ thể: (i) Sở hữu rừng đối với hộ và cộng đồng dân cư; (ii) Căn cứ giao rừng, cho thuê rừng đối với cộng đồng dân cư; (iii) Phân loại rừng; (iv) Loại rừng giao cho làng bản/thôn bản; (v) Phân định ranh giới quản lý rừng (tiểu khu, lô, khoảnh); (vi) Quy hoạch lâm nghiệp; (vii) Sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất).

    Đồng thời đề xuất bổ sung 3 nội dung với các điều khoản mới liên quan đến (i) Hỗ trợ sinh kế rừng và hưởng lợi từ rừng khi tham gia bảo vệ rừng của các hộ, cộng đồng sinh sống trong rừng đặc dụng; (ii) Quyền tiếp cận rừng tự nhiên của người dân tại chỗ (quyền của người bản địa); (iii) Giám sát của công dân đối với rừng tự nhiên và xử lý vi phạm về rừng. Kết thúc bài phát biểu, Ban tổ chức đã đánh giá cao các kiến nghị, đặc biệt ghi nhận vấn đề Quyền của cộng đồng thôn bản dân tộc thiểu số đối với đất rừng mà bài phát biểu mà ông Sự đã đề cập đến.

     


    Ông Nguyễn Văn Sự phát biểu tại hội thảo

    Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thiện trước khi trình Bộ tư pháp vào cuối năm 2016. Trong quá trình soạn thảo, tổ biên soạn dự thảo thường xuyên ghi nhận những tham vấn của các cơ quan có liên quan. Bản dự thảo số 3 đã được Bộ ban hành ngày 12/12/2017. Để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện bản dự thảo này, ngày 16/12/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức ‘Hội thảo quốc gia về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)’

    Trung tâm CIRUM và các tổ chức trong liên minh LISO đã tích cực tham gia vận động chính sách và tham vấn trong quá trình biên soạn Dự thảo Luật. Ý kiến tham vấn của trung tâm về công nhận và hợp pháp hóa rừng truyền thống của cộng đồng thôn bản, giám sát và xử lý vi phạm về rừng và khái niệm các loại rừng truyền thống của thôn bản, buôn làng (rừng tâm linh tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước – bảo vệ môi trường, rừng khai thác lâm sản chung) đều đã được Ban soạn thảo ghi nhận và bổ sung trong các bản Dự thảo số 1 và số 2. 

Bài viết khác