Nhà tài trợ

ICCO
mcknight
CC
BROT

Tin tức

Tọa đàm tập huấn: Chia sẻ kinh nghiệm về khung pháp lý và trình tự thủ tục liên quan đến quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp

  • Trong những năm qua tại huyện Tuyên Hóa nói riêng và trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung vẫn còn nhiều vướng mắc và bất cập trong việc giải quyết các vụ khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Nguyên nhân chính là do hạn chế trong nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ sử dụng đất, rừng cũng như thiếu sót của chính quyền cấp xã trong việc xử lý các vướng mắc trên.

    Nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập đó ngày 30 tháng 11 năm 2016 tại Hội trường UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đại diện Lãnh đạo UBND huyện Tuyên Hóa, Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD) và Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) đã phối hợp tổ chức Tọa đàm - Tập huấn "Chia sẻ kinh nghiệm về khung pháp lý và trình tự thủ tục liên quan đến quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp".

    Chủ trì Tọa đàm Ông Cao Xuân Tín - Huyện Ủy viên - PCT Thường trực UBND huyện Tuyên Hóa. Tham gia tọa đàm có 30 đại biểu là cán bộ địa chính, thành viên ban quản lý bảo vệ rừng đại diện cho 19 xã và 1 thị trấn của huyện Tuyên Hóa, đại diện các phòng ban liên quan của huyện Tuyên Hóa, đại biểu đến từ các xã Trường Sơn, Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; Mạng lưới Đất rừng Mã Liềng, các cán bộ Trung tâm CIRUM, CIRD và Quỹ Giảm nghèo Miền Trung (RDPR). Phương pháp tổ chức tọa đàm dựa trên các ý kiến, cách hiểu của đại biểu tham gia liên quan đến những bất cập, khó khăn trong xử lý những vướng mắc, tranh chấp, mâu thuẫn đất, rừng tại địa phương, sau đó chia nhóm thảo luận. Đại diện các nhóm trình bày các vấn đề của mỗi nhóm và sau đó chuyên gia trong lĩnh vực rừng và đất lâm nghiệp sẽ bổ sung, đối chiếu và làm rõ từng vấn đề.

     
    Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu tham gia cũng đã phát hiện ra những điểm bất cập và mâu thuẫn trong Luật Đất đai và Luật BV&PT rừng đã cản trở việc giải quyết xung đột về đất đai, đồng thời nhận định việc phổ biến, tuyên truyền chính sách liên quan đến đất, rừng cho người dân tại địa phương là rất cần thiết. Bên cạnh đó việc nâng cao năng lực cho các cán bộ địa chính, lâm nghiệp cấp xã thông qua các khóa tập huấn, tọa đàm chuyên môn về đất, rừng là rất cần thiết trong bối cảnh xung đột, tranh chấp đất đai tại cơ sở ngày càng phức tạp.

    Bà Nguyễn Thị Quyên - bản Khe Ngang - xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: "Lâu lắm rồi tôi không được tham gia phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp nên buổi tọa đàm, tập huấn này đối với tôi rất bổ ích và thiết thực. Các thông tin chia sẻ từ các nhóm cũng rất thực tế và chỗ tôi ở cũng đã xảy ra nhiều trường hợp như vậy nhưng tôi không biết họ xử lý thế nào. Hôm nay, thì tôi cũng hiểu hơn về trình tự các bước và cần phải liên hệ với ai khi xảy ra tranh chấp mâu thuẫn về đất, rừng".

    Nhận xét về Tọa đàm Ông Nguyễn Tri Phương - Trưởng Phòng NN huyện Tuyên Hóa cho biết "Tọa đàm - Tập huấn rất có ý nghĩa trong việc đánh thức nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm của người dân và chính quyền cấp cơ sở về pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Tọa đàm cũng là môi trường rất mở để tất cả đại biểu tham gia được thảo luận, lắng nghe ý kiến của mọi người  về những bất cập cũng như được lắng nghe kinh nghiệm giải quyết các vướng mắc đất đai tại địa phương từ phía các chuyên gia". Ông cũng nhấn mạnh cần tổ chức các buổi tập huấn như thế này tại các xã để người dân được tham gia. Có như vậy mới giảm bớt được những xung đột, tranh chấp đất đai tại địa phương.

    Một số hình ảnh tại tọa đàm

     


    Toàn cảnh tọa đàm-Ảnh: CIRUM
     

     
    Ông Cao Xuân Tín - PCT UBND huyện Tuyên Hóa nhấn mạnh trên địa bàn huyện trong thời gian vừa qua
    tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng keo diễn ra khá phức tạp tại một số xã đặc biệt là xã Thanh Thạch.
    Hoạt động phát rừng tự nhiên không những xuất phát từ các hộ gia đình mà có sự tham gia của các lãnh đạo xã
    gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra vấn đề tranh chấp đất rừng giữa các hộ gia đình với nhau
    cũng khá phổ biến tại các xã Thanh Hóa và Thanh Thạch-Ảnh: CIRUM



    Thảo luận nhóm-Ảnh CIRUM



    Thảo luận nhóm-Ảnh CIRUM



    Bà Cao Thị Hằng Hiền - cán bộ Địa chính xã Sơn Hóa trình bày trình tự giải quyết chuyển đổi đất trồng
    rừng sản xuất và trình tự thủ tục hỗ trợ giao đất giao rừng-Ảnh: CIRUM



    Ông Trần Xuân Tiến - cán bộ Địa chính xã Lê Hòa trình bày kết quả thảo luận nhóm liên quan đến
    cách giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất rừng giữa các hộ gia đình- Ảnh: CIRUM



    Bà Phạm Thị Duyên - cán bộ Địa chính xã Lâm Hóa trình bày kết quả thảo luận nhóm về
    giải quyết trường hợp cấp sổ đỏ cấp chồng lên nhau và trình tự giải quyết hộ gia đình (HGĐ)
    đã được làm hồ sơ giao đất nhưng chưa được giao GCNQSDĐ do trên thửa đất
    đề nghị giao cho HGĐ đang vướng tài sản trên đất.-Ảnh: CIRUM



    Ông Nguyễn Văn Huyên - Trưởng phòng Tư pháp huyện Tuyên Hóa
    chia sẻ thêm các bước hòa giải khi xảy ra tranh chấp giữa hai hộ gia đình-Ảnh: CIRUM



    Ông Nguyễn Vũ Thành Long - Cán bộ Phòng TN&MT huyện Tuyên Hóa làm rõ hơn đối tượng
    được giao đất, giao rừng tự nhiên là cộng đồng, tổ chức đoàn thể
    còn hộ gia đình không thuộc nhóm đối tượng này- Ảnh: CIRUM



    Ông Phan Đình Nhã - Chuyên gia đất rừng TT CIRUM trao đổi thêm về Thông tư 38/2007/TT-BNN
    liên quan đến hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức,
    hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn- Ảnh: CIRUM

Bài viết khác